Kính mời quý anh chị theo chân người viết đọc lại chuyện xưa và nghe một tuồng hát bội.
Cám ơn tác giả bài viết và bài đã post,
Caroline Thanh Hương
Giới thiệu một tuồng xưa,
như là nén hương dâng thầy nhân ngày
giỗ đầu.
Nguyễn Văn Sâm
Năm 1912, ông cựu chánh tổng Lê Quang Chiểu đem bản văn tuồng hát bội Lý
Thiên Long in ra chữ quốc ngữ. Trước đó ở dạng chữ Nôm chép tay, tác phẩm nầy
phổ thật là giới hạn, chẳng thế mà ông mới nói bằng một cụm từ rất đau lòng: Nay tôi đặng bổn sót ... Bổn sót là một
tập văn hiếm, ít người có, lắm khi chỉ còn một bản thôi, có thể rách mất nhiều
trang nhiều chữ.... Từ năm đó tuồng Lý Thiên Long mới được phổ biến rộng rãi
đến số đông người ham chuộng văn chương và tuồng hát.
Tuy nhiên, với tinh thần in ấn của thập niên đầu thế kỷ 20, bản quốc ngữ
của ông Lê Quang Chiểu có nhiều điều cần phải điều chỉnh về chánh tả, về cách
ngắt câu và nhiều chữ viết theo giọng đọc quá thuần túy Nam Kỳ của thời đó.
Thiệt sự mà nói, gần một thế kỷ trước, nguyên việc phiên âm ra quốc ngữ, sửa lại cho xuôi câu thuận ý - cách nói
và cách làm việc của Lê Quang Chiểu - và đem in đã là một công trạng với văn
hóa nước nhà, ta không thể đòi hỏi nhiều hơn về tính chất chính xác của một tác
phẩm vào thời mà tình trạng chữ quốc ngữ còn phôi thai và nhà văn chỉ mới có
những khái niệm thật mơ hồ về văn học Việt Nam, nhất là những tác phẩm ở dạng
quốc ngữ.
Cho phổ biến lại tuồng Lý Thiên Long lần này, chúng tôi chỉ làm những công
việc thật đơn giản: sưu tầm tài liệu xưa, ngắt câu cho hợp lý, trình bày rõ
ràng theo lối phú của tuồng hát bội, với những vế đối xứng và dùng những thể
chữ khác nhau tùy theo giọng nói của nhân vật - nhứt là những chỗ hường tán -
cốt sao cho người đọc bản văn dễ dàng lãnh hội ý của người viết tuồng. Nếu
tưởng tượng ra được giọng của nhân vật thì càng tốt.
Một vấn đề căn bản là có nên sửa chữa cách viết chánh tả của người xưa vốn
quá tuân thủ theo giọng đọc địa phương hay không. Cuối cùng chúng tôi quyết
định sửa cho hợp với cách viết chuẩn ngày nay vì nếu cứ dựa trên lý do tồn cổ,
nghi dĩ truyền nghi, in rập lại bản cũ thì thật là quá dễ, nhưng sự khiếm
khuyết của bản in xưa vẫn còn nằm nguyên ở đó, người tiếp xúc với văn bản có
thể hiểu lầm năm ba chữ ít dùng, một vài câu khó hiểu, thậm chí có thể hiểu sai
những ý quan trọng. Và bản tuồng vì vậy mất cái đặc sắc của nó. Cũng trong
chiều hướng đó, vài sơ chú cần thiết cũng đã được thêm, vì bản in 1912 không có bất cứ một chú thích nào. Phần
Hán văn của các đoạn hát khách (loạn), ngâm, xướng, đáng lẽ phải được tái lập
đầy đủàiải thích, tôi tài hèn, không dám võ đoán, chỉ làm được bấy nhiêu thôi,
với những dè dặt thường lệ.
* * *
Trước khi in tuồng Lý Thiên Long nầy chắc rằng ông Lê Quang Chiểu đã sửa
lại bổn cũ đầy đủ ba hồi (ông nói là toàn truyện đủ ba thứ và nói luôn những chi tiết quan trọng trong những hồi sau)
nhưng vì lý do nào đó bản in năm 1912 của ông chỉ thấy hết hồi nhứt mà thôi --
cuốn thứ nhứt. Cũng có thể những cuốn thứ hai, thứ ba đã xuất bản rồi mà chúng
tôi tới giờ này vẫn chưa tìm được. Khổ nạn đao binh và trình độ dân trí của đất
nước ta ảnh hưởng lên sự tồn vong của sách vở là vậy. Nay chúng ta là những
người đi sau, còn bao nhiêu cứ dùng đở
bấy nhiêu. Người nầy tìm, người kia tìm, được gì hay nấy. Ít còn hơn không,
đứa con ốm yếu đui què mẻ sứt vẫn là con mình, không thể bỏ cho mất luôn.
Ông Chiểu gọi loại hình của tác phẩm này khi thì là tuồng, khi thì là truyện.
Khi đề tên tác phẩm bằng chữ quốc ngữ ông xài chữ tuồng (Tuồng Lý Thiên Luông), khi dùng chữ Hán ông viết bằng chữ truyện (Lý Thiên Long Truyện 李天龍傳). Lý do vì ông dịch cái tựa ra chữ
Hán, chứ không phiên âm từng chữ như chúng ta làm ngày nay. Bây giờ trong văn
học, tuồng và truyện là những khái niệm
hoàn toàn khác nhau về hình thức. Tuồng là một câu chuyện với nhiều tình
tiết dùng để diễn, để nói, để nghe, có công dụng phục vụ đồng thời một số đông
quần chúng (một buổi trình diễn). Tuồng dính liền với sân khấu, diễn viên và âm
nhạc, cần thêm nhiều người phụ để dựng tuồng với dụng cụ, y trang và không
gian. Khi tuồng không được trình diễn, nó nằm trơ dưới dạng một văn bản văn học
và chỉ phục vụ cho một người đọc mà thôi thì nó vẫn là một bản tuồng vì tính cách đối thoại, ca diễn vẫn ẩn tàng trong
kịch bản. Truyện, trái lại dùng để đọc, để xem, phục vụ một lần một người hay
vài ba người (một lần đọc). Truyện dính liền với văn chương và tư tưởng, giao
tiếp thẳng với độc giả và thính giả mà không cần nhiều đến những thứ phụ thuộc
khác ngoài văn bản. Truyện có thể gần với truyện kể, chủ yếu là sự mô tả tình
tiết của tác giả, đối thoại không phải là phần chánh, có âm nhạc phụ họa càng
tốt nhưng không nhất thiết. Truyện biến thành tuồng hay tuồng biến thành truyện
đều phải được viết lại theo kỷ thuật của mỗi thể loại.
Nghe nói tuồng Lý Thiên Long này còn có bản quốc ngữ khác với tựa là Tuồng Tứ Linh. Cũng như trên, cho tới
giờ này, chúng tôi chưa tìm thấy.
Trong sưu tập 41 tác phẩm Nôm viết tay -- hầu hết là tuồng hát bội--- mà
Thư Viện Anh Quốc ở Luân Đốn (British Library) làm bản sao tặng cho chánh phủ
Việt Nam Cộng Hòa trước đây (1971) -- dưới thời Quốc Vụ Khanh Văn Hóa Mai Thọ
Truyền -- tôi nhớ mình có thấy tuồng Lý Thiên Long trong danh sách, nhưng cho
đến giờ vẫn chưa được cơ may có bản sao để phiên âm hay ít ra cũng để so sánh
với bản quốc ngữ của ông Lê Quang Chiểu.
Công việc sửa lại bổn cũ của giai đoạn đầu thế kỳ 20 nói chung có giá trị
văn chương đến mức độ nào đó, không ai có quyền xổ toẹt các công trình này.
Việc làm của những tác giả sửa lại bổn cũ ở giai đoạn đầu thế kỷ 20 là công
việc đáng hoan nghênh hơn chê trách. Cho nên có hay không có bản Nôm, các bản
quốc ngữ về tuồng hát bội, truyện thơ, thơ-tuồng vẫn đáng được trân tàng. Bản
quốc ngữ của Lê Quang Chiểu vì vậy đáng được coi là một trong những thoại rất
quan trọng về tuồng Lý Thiên Long. Giới thiệu bản Nôm và bản phiên âm là chuyện
cần thiết, nhưng giới thiệu các bản quốc ngữ cũng là việc đáng làm.
Ông Lê Quang Chiểu rất có công khi mách rằng mình nghe người lớp trước nói
lại tác phẩm nầy do Tổng Đốc An Giang Cao Hữu Dực viết ra, về sau ông Nguyễn
Văn Hàng nhuận sắc, mình nhuận sắc một lần nữa cho tráng câu xứng đối rồi cho
in bản quốc ngữ. Nếu không có lời nói đó bây giờ chắc rằng ta không thể nào xác
định một chút gì về tác giả.... Ông
Nguyễn Văn Hàng chỉ là một nhà nho bình thường nào đó ở cuối thế kỷ 19 ta khó
tìm tiểu sử. Tìm tiểu sử ông Cao Hữu Dực không khó, Quốc Triều Đăng Khoa Lục và Quốc
Triều Hương Khoa Lục cũng như các quyển sử triều Nguyễn chắc chắn không
nhiều thì ít có nhắc đến ông. Một vài tài liệu đó đây ghi ông là người quê
huyện Phong Điền, Thừa Thiên, đậu Hương Tiến năm Ất Dậu 1825, làm chức Bố Chánh
Sứ An Giang năm Mậu Thân đời Thiệu Trị (1848) sau đó đổi làm Án Sát Sứ cũng tỉnh
An Giang. Khi mất được truy tặng Hiệp Biện Đại Học Sĩ. Vậy ông là người của văn
học và của xứ chuyên về tuồng, lời mách rằng ông viết tuồng Lý Thiên Long này
có thể tin được.
Trường hợp Cao Hữu Dực cũng giống như trường hợp Ngụy Khắc Đản với tuồng Ngũ Hổ Bình Tây hay Bùi Hữu Nghĩa với Tuồng Tây Du. Người ta không thấy tên
tác giả ở trên bản Nôm, cũng không thấy nhắc đến tuồng Ngũ Hổ Bình Tây khi đọc về tiểu sử của Ngụy Khắc Đản, chỉ thấy tên
ông ở một mẩu quảng cáo hồi đầu thế kỷ về bản in quốc ngữ của tuồng này. Về Tuồng Tây Du, cũng tương tợ, bản Nôm
không có dòng nào đề tên tác giả, trong khi giới thiệu tuồng Kim Thạch Kỳ Duyên, ông Nam Cư Nguyễn
Đình Triêm, hậu duệ của Nguyễn Đình Chiểu, một nhà nghiên cứu văn học Miền Nam
mới nói lần đầu tiên rằng Bùi Hữu Nghĩa cũng là tác giả tuồng này, ông không
cho biết mình lấy chứng cớ từ đâu, dầu rằng trước đó nữ sĩ Đạm Phương viết
trong Nam Phong Tạp Chí có nhắc đến tuồng Tây Du nhưng đã không nói gì đến tác
giả. Văn học sử Việt Nam đầy rẫy những điều bắt buộc phải tin với một chút nghi
ngờ tương tợ như vậy. Và chúng ta chỉ còn biết dựa trên những điều mách khả tín
mà cũng khả ngờ cho đến khi nào có những tài liệu gì chính xác hơn được phát
hiện.
Trong khi đọc báo Nông Cổ Mín Đàm,
chúng tôi thấy trên số 417, ngày Thứ Ba 22 tháng Ba năm 1910 và những số kế
tiếp, lúc Chánh Chủ Bút Lê Văn Trung và Phó Chủ Bút Nguyễn Chánh Sắt, mẫu quảng
cáo như sau : Những tuồng mới in đây
là của ông Cao Hữu Dực, cựu Tổng Đốc trấn tỉnh An Giang. Tuồng Ô Thước, bộ 4 thứ 0$80, tuồng Ngũ Hổ
Bình Tây 1, 2, 3 giá 0$25, Tuồng Tống Từ Vân đang in… như vậy thì chúng ta
biết được rằng tuồng Tống Từ Vân và
tuồng Ô Thước là của Cao Hữu Dực. Còn
tuồng Ngũ Hổ Bình Tây thì trước đây
GS Lê Ngọc Trụ có tìm được mẫu quảng cáo nói là của Nguỵ Khắc Đản. Tôi giải
quyết chuyện một bản tuồng hai tác giả nầy bằng giả thuyết có hai bổn tuồng Ngũ Hổ Bình Tây khác nhau. Tạm gọi bản quốc ngữ mà
GS Trần Văn Hương giới thiệu do nhà xuất bản Khai Trí in là bản Nguỵ Khắc Đản,
còn một bản khác nữa là bản Cao Hữu Dực (hay ngược lại). Tiếc thay, ngày nay ta
thấy mẩu quảng cáo, nhưng quyển sách thì chẳng thấy đâu! Chờ những cơ may khác
vậy.
Viết tuồng bát bội là sở trường của người miền Trung, ông Cao Hữu Dực khi
làm quan trong miền cực Nam của đất nước có thể đã viết tuồng vì nhớ quê hương,
nhớ đến một phong vị văn nghệ đặc biệt của nơi chôn nhao cắt rún. Cũng có thể
ông viết như một bộc bạch nỗi lòng trung quân ái quốc vì đời khoa hoạn của ông
vốn nhiều truân chuyên và lắm lần bị hiểu lầm cùng dị nghị. Một kiểu Ly Tao của
Khuất Nguyên! Những hình tượng ông dùng trong tuồng này có thể bị chê trách là
không mới mẽ gì, ta thường thấy các nhân vật và sự kiện tương tợ ở các tuồng
khác trong kho tàng tuồng hát bội của Việt Nam: chánh-- tà, đi thi vì mẹ khuyến
khích, dự định cướp ngôi và những biến chuyển chung quanh cuộc cung đình chính
biến với các nhân vật trung thật trung, nịnh thật nịnh và các bậc tiên thánh
nhúng tay vào cõi phàm để thúc đẩy cho những việc trung dũng sớm thành tựu.
Con người thường bị giới hạn bởi môi trường chung quanh. Tất cả tuồng khác
nói chung đều đi theo một mô thức thì ta không thể đòi hỏi một Cao Hữu Dực hay
ai khác của thời kỳ này viết ra những gì thật là mới mẻ so với thời đại.
Tiếc rằng bản quốc ngữ nầy chỉ có hồi Thứ Nhứt (hồi một) mà thôi. Nếu ông
Lê Quang Chiểu trước đây công bố luôn các hồi kế tiếp thì có nghĩa là ông đã
sửa lại luôn các hồi 2 và 3. Sự sửa đổi nào cũng đem theo cái hay riêng, nguyên
bản chữ Nôm nếu được phiên âm chắc chắn gần ý tác giả nhưng sẽ không hay bằng bản đã được nhuận sắc.
Tiếc thay, chuyện đó đã không xảy ra hay đã xảy ra rồi mà chúng ta chưa có hân
hạnh tìm thấy.
Chúng tôi cố gắng giải quyết trường hợp này trong những năm tới để cống
hiến bạn đọc một Tuồng Lý Thiên Long đầy đủ, có được cả bản Nôm càng tốt.
Để dễ dàng cho người đọc, tôi phân hồi nầy ra làm 13 tiết nhỏ tùy theo
cảnh trong tuồng. Các tiết này dài ngắn khác nhau, kết chung lại thành ra những
diễn biến của toàn hồi. Nhắc lại, trong tuồng hát bội, lời nói là yếu tố quan
trọng hàng đầu, hành vi của nhân vật hay cả sự kiện xảy ra cũng đều được tác
giả chuyển hóa thành lời cho nên dưới con mắt ngày nay ta có thể thấy nhiều
tiết dư thừa, nhưng thật ra mỗi tiết đều có giá trị nối kết với các tiết khác
tạo nên một chuổi sự kiện cấu thành tuồng, khiến cho phần đông khán giả bình
dân dễ dàng nắm vững sự diễn biến của toàn tuồng. Cũng nên nhắc lại người xưa
đi coi hát bội thường không nhất thiết phải đến rạp lúc tuồng mới bắt đầu, họ
có thể đến bất cứ lúc nào vì nhiều lý do trong đó có lý do bói tuồng, những lời
nói dư thừa chắc chắn là có liên quan ít nhiều đến chuyện bói tuồng.
Hát bội cũng không có đoạn mở đầu giới thiệu về thời gian, về nhân vật,
tất cả những khái niệm này một lần nữa được tác giả dùng lời nói của nhân vật
để giới thiệu nên phải được chuyển thành lời
giáo đầu khi nhơn vật mới xuất hiện. Ta sẽ không lấy làm lạ khi thấy nhân
vật bước ra xưng tên tuổi quê quán, sở thích, điều mình kỳ vọng, ngay cả những
âm mưu đen tối vốn là những chuyện.... không cần nói ra đối với nhân vật trong
tiểu thuyết hay kịch ngày nay, ngược lại đó là điều cần thiết sinh tử của thể
loại hát bội, cần thiết ở thời kỳ hát bội thạnh hành cũng như khi tàn lụn, sở
dĩ ta thấy nó quê quê dư dư vì ta nhìn nó với nhãn quan của người đời nay vốn
quen với hình thức cấu tạo của kịch tây phương đã qua quá nhiều cải biên, chỉnh
đốn ...
Các tiết của hồi Thứ Nhất này có thể được chia như sau đây, lời tóm đại ý
của tiết là của chúng tôi:
I.1 Nghe lời mẹ, Lý Thiên Long tầm sư học đạo.
I.2. Đoán việc sau, Lý Chơn Nhơn khuyên đệ tử ứng thi.
I.3. Cần hiền ngỏ, Tống Vương sai mở hội tuyển nhân tài.
I.4. Vưng lời khuyên, Lý Thiên Long lên đường tìm sự nghiệp.
I.5. Trễ hội thí, Vương Họa Lân ngao du sơn thủy.
I.6. Hiểu lòng nhau, Đào Thế Sĩ/Vương Họa Lân già trẻ kết thân.
I.7. Kết quả kỳ thi, Lý Thiên Long thành Quấc Trạng.
I. 8. Muốn thêm vây cánh, Thái Sư dùng chỉ đỏ buộc Trạng Nguyên.
I. 9. Lãnh quyền chức, Sơn Qui ra đồng quan trấn nhậm.
I.10. Ngừa phản thần, Lý mẫu dạy con nghĩa trung quân.
I.11. Bảo toàn thân, Đào Thế Sĩ cáo lão về quê.
I.12. Lạc Sơn lãnh, Thế Sĩ tái phùng người bạn trẻ.
I.13. Đem lòng xấu, Thiên Thành mưu toan cướp nước.
I.14. Thử lòng nhau, Thiên Long , Thể Phụng tỏ lòng trung.
Cuối cùng thì hay bên hiểu nhau và đồng lòng sẽ thực hiện lòng trung quân
ái quốc của mình mặc dầu sẽ kinh qua bao nguy hiểm gian nan. Tuồng có thể chấm
dứt ở đây với sự hàm ngụ hai người sẽ thực hiện công việc trừ nguy diệt bạo
trong tương lai, chuyện thành công hay thất bại được bỏ lửng lơ cho người
đọc/xem muốn hiểu thế nào thì hiểu.
Nhưng người xưa không bao giờ kết thúc tác phẩm của mình một cách lơ lửng
như vậy. Ông Lê Quang Chiểu đã mách rằng còn có các hồi 2, 3. Chắc chắn là
những nhân vật chính diện sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi đối đầu với những nhân
vật phản diện. Tiếc quá ta không được đọc. Hi vọng trong tương lai gần chúng ta
sẽ đọc được bản phiên âm tuồng Lý Thiên Long của Thư Viện Anh Quốc hay ít ra
cũng được đọc tuồng Tứ Linh! Với tình hình văn học kì hoặc như hiện nay, thời
gian chờ đợi chắc chắn sẽ rất dài!
Tuồng nào cũng vậy tác giả sử dụng thật nhiều thành ngữ tục ngữ, các trạng
từ mô tả tâm tình một cách vũ lộng mà chúng ta ít thấy ở tác phẩm của nhà văn
hiện đại. Có thể tác giả tuồng gần với đám đông quần chúng hơn? Chúng tôi xin
nhường sự nhận xét chi tiết về mặt văn chương và sự hay dở về mặt cấu tạo tuồng
tích cho các độc giả.
Thiết nghĩ cũng nên ghi lại đây một ít chi tiết về người sửa lại bổn cũ
tuồng Lý Thiên Long này.
Ông Lê Quang Chiểu (1853- 1924) là học trò của Phan Văn Trị, là một người
khí tiết, sống thanh bạch, có làm nhiều bài thơ vịnh nói chí khí mình, nỗi
tiếng nhứt là mười bài họa lại thập thủ liên hườn của Tôn Thọ Tường (giống như
trường hợp của thầy ông là Phan Văn Trị). Năm 1903 ông xuất bản quyển Quốc Âm Thi Hiệp Tuyển là một tuyển tập có
giá trị lịch sử vì hầu hết các bài thơ trong đấy đều được trình làng lần đầu
tiên. Theo ông Phan Văn Thiết, trong quyển Nam
Thi Hiệp Tuyển, Sàigòn, 1948, Lê Quang Chiểu 'là một văn sĩ có danh ở Nam
Kỳ, quê quán ở Phong Điền (Cần Thơ) ông là một người đồng thời nhưng trẻ hơn
các ông Tôn Thọ Tường, Phan Văn Trị và Nguyễn Đình Chiểu... Ông có làm nhiều
thơ văn, phần nhiều là thơ Nôm, rất được truyền tụng, ông thường xướng họa với
bà nữ văn sĩ Trần Ngọc Lầu...'
Một trong những bài thác chí mình, không sợ phiền lòng người Pháp là bài Khóc Ông Phan Thanh Giản, vốn được lưu
truyền rộng rãi trong Nam:
Quan Phan tiết
nghĩa sánh cao dày,
Thương bấy vì
đâu khiến chẳng may.
Hết dạ thờ vua
trời đất biết,
Nát lòng vì nước
quỷ thần hay.
Tuyệt lương một
tháng rau xanh mặt,
Bị quở ba phen
lửa cháy mày.
Chỉn sợ sử thần
biên chẳng hết,
Tấm lòng ấm ức
phải thày lay.
Giống như công việc chúng tôi làm ở các quyển sưu tầm tương tợ, trong quá
trình hình thành, chúng tôi có hội ý và được sự hướng dẫn tận tình của Giáo Sư
Nguyễn Khắc Kham, nên xin nhân dịp này ghi lại đây lòng biết ân của kẻ hậu học
đối với bậc Thày, Sẵn đây chúng tôi cũng thấy mình cần đưa ra cái thơ Giáo Sư
Kham đã thảo như tiêu chí để mở một tủ sách nhằm cung cấp các tài liệu khó tìm mà
quyển Lý Thiên Long nầy là quyển sách tầu tiên trong tủ sách Bảo Tồn theo như
dự định..
‘Lâu lắm rồi, chúng tôi muốn giới thiệu với độc giả những quyển sách hiếm
trên thị trường vì các bản in xưa theo thời gian đã hết. In lại để tác phẩm
được tới tay nhiều người đọc hơn, in lại còn là cách để các học giả có dịp nhìn
lại những tác phẩm vốn thiệt thòi vì lâu nay không có mặt trên thị trường hay
những những thư viện rộng mở cho người dân tham khảo. Tủ sách Bảo Tồn ở trong
chiều hướng đó, đem đến tận tay người đọc những tác phẩm hiếm.’
‘Sự sưu tập cũng như in ấn đòi hỏi thời gian cho nên mặc dù dự định đã
lâu, đến hôm nay mới thực hiện được công trình nhỏ này. Chúng tôi không in
nhiều, mỗi quyển chừng một trăm ấn bản, cốt là để bảo tồn tác phẩm cho người
sau có cơ sở thực hiện những công trình lớn hơn.’
‘Kinh nghiệm về những khó khăn khi đi tìm tài liệu bấy lâu nay khiến chúng
tôi nghĩ đến việc thực hiện tủ sách này. Mong được đồng tình của các bạn đọc.
Quý vị nào có những quyển sách xưa nghĩ rằng đáng được phổ biến có thể liên lạc
hay cung cấp bản sao cho chúng tôi để tủ sách Bảo Tồn được ngày càng lớn mạnh.
Chúng tôi vô cùng biết ơn nếu được ủng hộ tinh thần cách này hay cách khác từ
phía bạn đọc.’
Nguyễn Văn Sâm (Tháng Ba, 1997)
[Viết thêm nhân
ngày giổ đầu của thầy] Chỉ tiếc rằng lực bất tòng tâm, chuyện sưu tầm sách
tưởng khó mà dễ, chuyện in sách tưởng dễ mà khó, vài quyển sách lạ đã sưu tầm
được, sẵn sàng để in, nhưng rồi khả năng thực tế không bao giờ cho phép, cho
đến khi thầy mất gần mười năm sau đó. Buồn thay thầy ơi!