Kính gửi quý anh chị những bài vọng cổ Văn Hường do Huỳnh Chiếu Đẳng sưu tầm và lưu lại.
Cám ơn chú Huỳnh.
Caroline Thanh Hương
Danh hài vọng cổ Văn Hường: Vì vua không ngai
Danh hài vọng cổ Văn Hường: Vì vua không ngai
(CLVN.VN) - Tác giả Viễn Châu hay là danh cầm NSƯT nhạc sĩ
Bảy Bá là người có công phát hiện và lăng xê nhiều nghệ sĩ tài danh của
SK Cải lương từ út Bạch Lan, Minh Cảnh, Tấn Tài, Lệ Thủy, Mỹ Châu...
ông đã sáng tác trên 2000 ngàn bài ca tân cổ, rất nhiều bài nổi tiếng
đưa tên tuổi các Nghệ sĩ lên hàng Danh ca và cả người yêu sân khấu cũng
mê thích, rảnh rỗi là ca ngâm vui chơi... ông là người chịu trách nhiệm
chuyên môn cho nhiều hãng dĩa nổi tiếng như Lam Sơn, Hồng Hoa, Việt
Hải, Tứ Hải... ông đã đưa Hề Minh trở thành danh ca hài số 1 trên các
mặt dĩa.
Một lần tình cờ ông đến quán Lệ Liễu đờn
ca chơi, nghe giọng ca lạ của Văn Hường ông chú ý, liền mời vô hãng dĩa
thu vài bài giao hữu. Thuở ấy ảnh hưởng của hề Minh còn quá lớn nên Văn
Hường chỉ ở dạng tiềm năng. Sự thành công của Văn Hường trên SK Hoa Sen,
đặc biệt là ở SK Kim Chung là cơ sở để ông có quyết định táo bạo đưa
Văn Hường chính thức thay thế Hề Minh.
Xét về lối ca Văn Hường
mới hơn, kỹ thuật sắp nhịp quá hay, độc không kém gì út Trà ôn, làn hơi
phong phú, biến hóa. Hề Minh dù cũng rất hay, nhưng lối ca xưa, hành văn
sắp nhịp hiền và đã xuất hiện quá lâu trên mặt dĩa, người nghe cần có
sự đổi mới. Văn Hường xuất hiện đúng lúc, nhưng tự thân Văn Hường không
đủ sức làm cuộc soán ngôi mà phải có sự phù phép của Viễn Châu. Một loạt
bài hát mới được ông viết riêng cho Văn Hường với tên nhân vật TƯ ếCH
rất dễ thương gắn liền với bà con nông thôn vốn là khán thính giả ruột
của cải lương. Hàng loạt Tư ếch đi Sài Gòn, Tư ếch đại chiến Văn
Hường... ra đời gây ra cơn sốc lớn, tất cả dĩa hát có tên Văn Hường bán
hết sạch trong một thời gian rất ngắn. Lúc đó, tên uổi Văn Hường ăn
khách không kém gì út Trà ôn, Minh Cảnh, Tấn Tài... và Văn Hường trở
thành danh ca hài ăn khách nhất, không có đối thủ.
Từ khi Văn
Hường xuất hiện, Hề Minh lùi về phiá sau. Ngôi vị số 1 thuộc về Văn
Hường cho tới ngày nay. Giải thích về sự thành công của mình, Văn Hường
khiêm tốn " Với tôi chú Ba Vân, anh Hề Minh đều là những bậc thầy, tôi
học ở họ rất nhiều, tôi may mắn có hơi ca lạ. Sự thành công của tôi qua
anh bảy Viễn Châu phát hiện, không có anh chắc sẽ không có Tư ếch Văn
Hường cho tới ngày nay . Thử làm một tổng kết nhỏ, gần như những bài
vọng cổ hài hay nhất của ông Viễn Châu đều viết riêng cho Văn Hường, trở
thành bài ca mẫu cho nhiều thế hệ tác giả trẻ viết theo. Cho đến nay có
rất nhiều bài ca cổ hài hay ra đời, theo tôi hay nhất trong số đó vẫn
là những bài Viễn Châu viết cho Văn Hường như Tư ếch đi Sài Gòn, Vợ tôi
nói tiếng Tây, Tôi đi làm rể, Pháp sư giải nghệ, Năm con vợ... Chính tác
giả mới là bậc thang để cho nghệ sĩ chinh phục đỉnh cao, họ là nền móng
vững chắc để nghệ sĩ thành những ngôi sao.
Ngày nay trong nhiều
trường hợp, tác giả không còn được tôn trọng như xưa, không phải họ kém
tài mà trong mối quan hệ giữa nghệ sĩ và tác giả đã mất rồi chữ "Lễ"
(?). Có lẽ vì vậy mà Cải lương dần dần sa sút chăng? Và thấy rõ là nhiều
nằm rồi chưa có giọng ca vàng nào đi sâu vào lòng khán giả.
NẶNG NGHIỆP LÀM BẦU
Sau
khi lên ngôi vương ở SK Kim Chung, nổi danh ở các hãng dĩa Văn Hường
cùng với nghệ sĩ Thanh Hải thành lập đoàn Thanh Hải - Văn Hường với lực
lượng nghệ sĩ rất hùng hậu như út Trà ôn, Ngọc Bích và nhiều nghệ sĩ tài
danh khác đoàn diễn một thời gian, đến năm 1975 đoàn ngưng hẳn, Văn
Hường cùng Thanh Hải, ánh Hồng về hát cho đoàn Thống Nhất của tỉnh Tây
Ninh (khác với đoàn Thống Nhất của nghệ sĩ út Trà ôn). Năm 1979 ông trở
lại TPHCM hát cho đoàn Phước Chung đến năm 1987 thì nghỉ hẳn ở nhà, cộng
tác với đài phát thanh. Thời gian này khán thính giả được thưởng thức
những bài ca cổ thời sự rất nổi tiếng như Người bay của tác giả Trần Nam
Dân viết nhân dịp anh hùng Phạm Tuân, người Việt Nam đầu tiên bay vào
vũ trụ, Vợ tôi nàng Ak của
Văn Hồng Cẩm, Văn Hường đi cấy lúa ở Long Thuận của Thanh Hiền...
Nếu
trước GP với những bài ca hài của Viễn Châu, Yên Sơn, Văn Hường bay
bổng trong dòng văn nghệ thương mại, góp phần phê phán thói hư tật xấu,
dè bĩu những tệ nạn xã hội thì sau 75, Trần Nam Dân, Văn Hồng Cẩm, Thanh
Hiền là tác giả cách mạng viết vọng cổ hài phối hợp rất ăn ý với Văn
Hường, tiếng hát của ông trữ tình hơn, chính luận hơn ca ngợi quê hương,
con người lao động đang góp phần xây dựng đất nước. Có một thời gian
dài ông bị bịnh mất hơi, không còn hát hay như ngày xưa, ông mở quán
nghệ sĩ qui tụ nhiều con cháu gia đình nghệ sĩ đến hát. Mấy năm nay sức
khỏe ông tốt hơn, như hồi xuân lại giọng ca vàng, trong năm 2008 ông có
chuyến lưu diễn ở Mỹ rất thành công. Văn Hường quen với cuộc sống lang
bạt kỳ hồ, nên gần như cả đời gia đình phải theo ông trôi dạt đó đây.
Nhiều khán giả rất yêu mến Văn Hường, dù quán ông ở đâu, Quận 7, Quận 8,
Quận 9, Quận 12, Thủ Đức... mọi người vẫn tìm đến ủng hộ, nhờ vậy mà
cuộc sống gia đình ông cũng tạm ổn vượt qua bao cơn khốn khó. Đầu năm
2009, nhờ sự ủng hộ của một số mạnh thường quân, và số vốn tích lũy được
trong chuyến lưu diễn ở Mỹ, ông quyết định về cất lại ngôi nhà mà ông
bà để lại tại Long Thành Mỹ, Quận 9. Vậy là suốt mấy mươi năm lưu lạc
Văn Hường đã trở về lại mái nhà xưa để có cuộc sống an cư với tuổi già
nhàn hạ. Khán giả vẫn tìm đến ủng hộ quán nghệ sĩ Văn Hường, ông được
một số Trung tâm băng nhạc ở nước ngoài về mời quay video, tập Tư ếch
đại chiến Văn Hường rất ăn khách, nhiều đơn đặt hàng, nhưng ông chỉ nhận
thực hiện lai rai vừa dưỡng sức, vừa chọn lựa đối tác đàng hoàng. Đối
với ông danh lợi như thế cũng đủ rồi, điều ông cần nhất là sự an nhàn,
thanh thản. Năm nay Văn Hường đã ngoài 76 tuổi vẫn đẹp lão trong vóc
dáng một ông già tráng kiện, vui vẻ, duyên dáng như ngày nào, da dẻ hồng
hào, dáng đi nhanh nhẹn, lưng thẳng. ông rất mừng khi đón anh em nghệ
sĩ đến thăm chơi. Ông là một nghệ sĩ tài năng, phúc hậu. Vua ca vọng cổ
hài vẫn chưa có người kế vị. Sân khấu hiện nay rất đông danh hài diễn,
nhưng để tìm một giọng ca hài độc đáo như Văn Hường vẫn như mò kim đáy
bể. Trong quá trình tồn tại và phát triển của Cải lương không thiếu
những giọng ca vàng. Bởi khán giả đi coi Cải lương, điều ấn tượng đối
với họ ngoài nhan sắc và tài diễn thì giọng ca hay vẫn là yếu tố hấp dẫn
số 1 . Cải lương hiện nay, so về giọng ca thì tre đã tàn nhưng măng mọc
chưa đủ để thay thế.
Nhân đây kính chúc Vua ca vọng cổ hài Văn Hường luôn mạnh khỏe, sống lâu và hát vẫn hay như một thời là vua..
Theo: ngocanh
Mới
thêm 27-Nov-07 một số bài ca cổ nhạc hài hước do Văn Hường ca bên dưới và cả
bên Quán Cổ Nhạc. Kính mời qui bạn nghe chơi để nhìn lại hoàn cảnh xã hội Việt
Nam khoảng đầu thập niên 1960.
TuyetTinhCa1.mp3
Tuồng cải lương Ông Cò Quận Mười, Út Trà Ôn, Út Bạch Lan... 25-Nov-07