Năm mới tết đã qua mà lòng tôi vẫn không thấy vui, buồn hơn chút nào.
Có lẽ những ngày tháng bây giờ đến rồi đi không có chút gì mới mẻ để người ta tính chuỵđên hưởng thụ, dù chỉ là một chút khác thường.
Ngày xưa, dân đi làm rất mong có ngày nghỉ và họ luôn chuẩn bị cho những chuyến đi xa và plan để gặp bạn bè cho thỏa nỗi niềm xa cách.
Bây giờ, ai còn việc làm, thì chũng là chuyên con trâu mỗi ngày đi cày, nhưng hiện tại thì không biết mình cày cho ai, còn cày được bao lâu nữa và lúc cuối đời, lúc nào đây là giờ phút cuối để lại gì và còn ai để mình để lại gì không?
Với bao nhiêu câu hỏi, bao nhiêu thăng trầm của một ngày mai mà không có tương lai, thật như người đi trong đêm.
Thôi thì gửi quý anh chị một bài sưu tầm trên net, đọc để còn thấy chút gì về cái Tết Trâu sẽ còn có ruộng cày hay không?
Kính chúc quý anh chị một năm mới vui vẻ, bình an và sức khỏe.
Caroline Thanh Hương
Con trâu trong dân ca, ca dao
Trong lịch sử can chi đã quen dùng ở phương Đông số thứ tự thứ 2 là Sửu tượng trưng bằng con trâu. Giờ Sửu được tính từ 1 đến 3h đêm, là thời gian yên tĩnh nhất, mọi người ngủ say, thế nhưng con trâu lại thức lặng lẽ nhai lại. Tháng Sửu là tháng Chạp, là tháng mà mọi người hân hoan đón Tết. Trong 12 con vật thời gian, trâu là con vật to nhất, khỏe nhất. Trâu sớm được thuần hóa, gần gũi với con người, giúp con người trong việc đồng áng nên người nông dân coi trâu như người bạn thân.Trong ca dao dân ca, trâu được nói đến nhiều vì trâu đóng vai trò quan trọng trong sinh hoạt ở nông thôn. Từ việc ví von về tuổi tác đến việc đồng áng, tình yêu nam nữ... đều có mặt trâu. Trâu gần gũi thân thiết với con người như hình với bóng. Thế nên trong cơ nghiệp nhà nông con trâu được xếp hạng nhất 'Con trâu là đầu cơ nghiệp'.
Tuổi Sửu con trâu kềnh càng,
Cày chưa đúng buổi lại mang cày về.
Trâu thay sức người làm công việc đồng áng nên việc mua sắm trâu là việc hệ trọng. Nhà nghèo thường khó sắm được trâu để làm mùa, phần nhiều là mướn trâu.
Tậu trâu, lấy vợ, cất nhà
Trong ba việc ấy thật là khó thay
Từ buổi đầu lịch sử, khi dân ta biết trồng cây lúa nước con trâu đã là người bạn thân thiết gắn bó với nông dân. Tất cả đều phải cần cù làm lụng, hỗ trợ cho nhau để có miếng ăn.
Trâu ơi ta bảo trâu này
Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta
Cấy cày vốn nghiệp nông gia
Ta đây trâu đấy ai mà quản công
Bao giờ ngọn lúa còn bông
Thì còn ngọn cỏ ngoài đồng trâu ăn
Đôi khi người nông dân cũng tâm tình thì thầm to nhỏ cùng trâu như nói chuyện với một đứa trẻ con:
Nghé ơi ta bảo nghé này
Nghé ăn cho béo nghé cày cho sâu
Ở đời khôn khéo chi đâu
Chẳng qua cũng chỉ hơn nhau chữ cần
Tuy bận rộn vất vả trong những ngày mùa nhưng trâu cũng có ngày thong thả đứng bên bờ ruộng ăn cỏ tươi hoặc nằm trong chuồng nhỏ nhẹ nhấm bó rơm khô. Số phận của con trâu và người nông dân gắn bó đồng cam cộng khổ:
Rủ nhau đi cấy đi cày
Bây giờ khó nhọc có ngày phong lưu
Nông dân rất quý con trâu, nó là một phần tài sản của họ. Nó đã được đưa ra so sánh đánh giá sự giàu nghèo:
Thằng bờm có cái quạt mo
Phú ông xin đổi ba bò chín trâu
Và hình ảnh thằng Cuội chăn trâu cũng thật thà đáng thương:
Chú Cuội ngồi gốc cây đa
Để trâu ăn lúa gọi cha ời ời
Cha còn cắt cỏ trên trời
Mẹ còn cưỡi ngựa đi chơi cầu vồng
Hình ảnh con trâu cũng được dùng để phê phán những kẻ lừa đảo chỉ biết vì quyền lợi cá nhân:
Lái trâu, lái lợn, lái bò
Trong ba anh ấy chớ nghe anh nào
Hoặc tỏ thái độ mỉa mai, châm biếm:
Thật thà như thể lái trâu,
Yêu nhau như thể nàng dâu mẹ chồng.
Ai cũng biết buôn bán thì không thể có sự thật thà, quan hệ mẹ chồng, nàng dâu cũng rất phức tạp, khó có sự dung hòa được. Lại có câu ca dành cho người thích lấy vợ dại, ngoan hiền:
Vợ dại thì đẻ con khôn
Trâu chậm lắm thịt, rựa cùn chịu băm
Bởi vậy ta nên trở về với cái vốn có không nên quá mộng tưởng. Cái gì của mình có sẵn quý hơn vì nó là có thực:
Trâu ta ăn cỏ đồng ta
Tuy rằng cỏ cụt nhưng là cỏ thơm
Và rất nhiều người bằng lòng với cuộc sống hiện tại, cho như thế là sung sướng hơn người. “Ai bảo chăn trâu là khổ / Không, chăn trâu sướng lắm chứ?”. Ngồi lưng trâu ta hát nghêu ngao... Con trâu cũng là đề tài để người ta trêu chọc nhau một cách tình tứ trong những lúc lao động để quên đi nỗi mệt nhọc, vất vả:
Trâu kia kén cỏ bờ ao
Anh kia không vợ đời nào có con
Người ta có trước có sau
Thân anh không vợ như cau không buồng
Cau không buồng như tuồng cau đực
Trai không vợ cực lắm anh ơi
Người ta đi đón, về đôi
Thân anh đi lẻ, về loi một mình.
Hoặc để gợi chuyện làm quen nhau:
Hỡi cô cắt cỏ bên đồng
Nuôi trâu cho béo làm giàu cho cha
Giàu thì chia bảy chia ba
Thân em là gái được là bao nhiêu?
Các cô gái cũng hóm hĩnh, đáo để không kém:
Cưới em tám vạn trâu bò
Bảy vạn dê lợn, chín vò rượu tăm
Đến khi có vợ rồi nên một lòng một dạ không nên bắt chước những người đi trước năm thê bảy thiếp để rồi gặp phải cảnh:
Ba vợ n ăm bảy nàng hầu
Đêm nằm chuồng trâu, gối đầu bằng chổi.
Trâu anh con cưỡi con dòng
Có con đi trước lòng thòng theo sau.
Và đôi khi là những hình ảnh ẩn dụ về những ngang trái mà con trâu phải gánh chịu:
Con trâu có một hàm răng
Ăn cỏ đồng bằng uống nước bờ ao
Thời sống mày đã thương tao
Bây giờ mày chết cầm dao xẻ mày…
Thịt mày tao nấu linh đình
Da mày bịt trống tụng kinh trong chùa
Sừng mày tao tiện con cờ
Làm dao, cán mác, lược dày, lược thưa…
Thời gian dần qua đi. Theo đó, hình ảnh mục đồng vắt vẻo trên lưng trâu, hát ngêu ngao những bài đồng dao cũng đã dần mất đi. Thế nhưng hình ảnh làng quê, đồng ruộng, cây lúa, con trâu vẫn thấm sâu vào tâm hồn người dân Việt.