Translate

Libellés

découvert (110) thơ; văn; nhạc; ảnh chụp; Caroline Thanh Hương (68) photographie (59) ký ức Việt Nam (44) santé (36) nghe đọc truyện hay (35) touriste (35) science naturelle (29) événement (28) nhạc Việt (27) nhạc Phạm Đức Nghĩa (20) art culinaire (19) philosophie (15) psychologie (15) văn chương (14) xã hội (12) nhạc không lời (11) science (11) ảnh Hương Kiều Loan (10) science économique (9) đọc và nghe đọc truỵên hay (9) xã hội Mỹ (8) aventure (6) news (6) société (6) thơ Đỗ Quý Bái (6) économie kinh tế (5) lịch sử (5) show Caroline Thanh Hương (5) sử Việt Nam (5) art (4) du lịch (4) littérature vietnamienne (4) Education (3) littérature (3) thơ Trần trọng Thiện (3) Canada (2) Les Contes vietnamiens truyện cổ tích việt nam (2) cách làm thơ hay và đúng (2) histoire secrète (2) l'histoire de France (2) mythe (2) technologie (2) thơ Huy Văn (2) thơ Hư Hao (2) tùy bút Caroline Thanh Hương (2) văn (2) Cần Thơ (1) David Oïstrakh (1) Dì Bùi Lệ Khanh (1) Economie (1) Montréal (1) Petrus Ky (1) Phan Thuận Breton (1) Québec (1) Stephen Hawking (1) Thơ văn Nguyễn Kiề (1) Trung Tâm Giáo Dục Hồng Bàng (1) Tạp Chí Dân Văn (1) Văn Xuân Vũ (1) astuce (1) bình luận Thuỵ Khê (1) ca sĩ Phi Nhung (1) ca sĩ Phạm Khải Tuấn (1) chân dung France Gall (1) fashion Jean-Paul Gaultier (1) fashion áo dài Việt Nam (1) học tiếng anh (1) informatique (1) ingénierie (1) nhạc Ngô Hồng Quang (1) nhạc Phạm Mỹ Lộc (1) nhạc ngoại quốc (1) nhạc ngoại quốc Steve Earle (1) photographie Vu Cong Hien (1) sport (1) thơ Chẩm Tá Nhân (1) thơ Lê Quang Chiểu (1) thơ Nhất Hùng (1) thơ Thanh Thanh. (1) thơ Trần Văn Lương (1) truyện ngắn; thơ Trần Văn Lương (1) văn Huy Phương (1) văn Thế Lữ (1) văn Tràm Cà Mau (1) văn chương văn nghệ Đoàn Thế Ngữ (1) văn câu đối (1) văn Đoàn Xuân Thu (1) xem phim hay tiếng ngoại quốc (1) Đại Học Văn Khoa (1)

dimanche 8 septembre 2019

Làm Sương Cho Sáo theo Tràm Cà Mau.

Con người có lẽ ai cũng có cái số thế này hay thế kia.

Khi họ bị khổ cùng cực, thì than thở cũng chẳng giúp được gì hơn là tự phấn đấu để đừng khổ nữa.

Duy có điều người ta quên là khi họ đang sung cướng th̀ì không hay biết mà cứ luôn không hài lòng.

Để biết đời có có ý nghĩa, kính mời quý anh chị đọc một bài viết của tác giả Ttàm Cà Mau để thấy thế nào là sướng như Tiên hay hơn cả Tiên.

Cám ơn tác giả bài viết.

Caroline Thanh Hương


Tác giả: Tràm Cà Mau  

         
Tuổi già, buổi sáng thức dậy, nghe gân cốt đau rêm mà mừng, vì biết mình còn sống. Đại ý viết như vậy, trong một cuốn sách Mỹ mà ông Tư đọc được, làm ông thấm thía cái hạnh phúc lâng lâng của từng sớm mai khi vừa tỉnh giấc. Bạn bè cùng trang lứa với ông, nhiều người đã về với Diêm Vương khi còn trẻ măng, vì cuộc tương tàn khốc liệt dài ngày trên quê hương. Nhiều người khác gục ngã trong trại tù vì đói khát, bệnh tật, mồ hoang vùi cạn. Một số khác nữa, vì khao khát tự do mà chôn thân dưới đáy biển, hoặc chết khô giữa rừng sâu. Không ít người còn lại, tử thần cũng đã đón mời vì bạo bệnh, khi tuổi năm sáu mươi. Phần ông vẫn còn dai dẳng sống sót cũng là ân huệ trời ban, không vui hưởng tháng ngày, cũng uổng lắm sao!
Ý nghĩ đó làm ông mỉm cười sung sướng. Ông vẫn trùm thân trong chăn ấm. Tội chi mà dậy sớm cho mệt. Mỗi khi nghe tiếng khởi động máy xe từ hàng xóm vọng qua trong buổi tinh sương, ông càng vui sướng hơn, vì không còn phải vùng dậy giữa đêm đen, lặn lội đi kiếm cơm hàng ngày như mấy gã trẻ tuổi ở cạnh nhà. Về hưu rồi, mỗi tuần hưởng bảy ngày chủ nhật, bảy ngày thảnh thơi. Hết áp lực của công việc hàng ngày, không phải lo lắng bị thất nghiệp khi kinh tế khủng hoảng xuống dốc. Khoẻ re.
Cứ nằm trùm chăn ấm nghe nhạc mềm văng vẳng ru đưa, phát ra từ cái radio nhỏ, có khi ông chợp thêm được một giấc ngủ ngắn ngon lành. Ngủ chán thì dậy. Bước xuống giường, dù khớp xương sưng đau, đi khập khễnh ông cũng thầm cám ơn cái chân chưa liệt, còn lê lết được. Chưa phải nằm dán lưng vào giường như một số người bất hạnh khác. Những kẻ này mà nhích được vài bước cà thọt như ông, thì chắc họ cũng sướng rân người. Ông thầm bảo, có thêm được một ngày để sống, để vui, để yêu đời. Bệnh hoạn chút chút, thì phải mừng, chứ đừng có nhăn nhó than vãn ỉ ôi.
Mỗi khi đánh răng rửa mặt, ông lầm thầm: “Mình sướng như vua rồi, có nước máy tinh khiết để dùng. Giờ nầy, cả thế giới, có hơn một tỉ người thiếu nước để nấu ăn, để tắm giặt và nhiều tỉ người khác không có nước sạch, phải uống nước dơ bẩn.” Dù cái bàn chải đánh răng đang ngọ ngoạy trong hàm, ông cũng ư ử hát ca. Khi áp cái khăn tẩm đầy nước lên mặt, ông cảm được cái mát lạnh và niềm sung sướng chứa chan đang lan tỏa chạy khắp người. Ông biết đang được ân sủng của trời đất ban cho trong tuổi già.
Ngồi lên cái bồn cầu êm ái, nhà cầu sạch sẽ, trắng toát, thơm tho, không vướng một chút mùi vị hôi hám, đèn đóm lại sáng trưng, có nhạc văng vẳng từ radio, ông cầm cuốn sách thưởng thức chữ nghĩa của “thánh hiền”, tư tưởng của Đông Tây. Không bao giờ ông quên cùng giờ phút nầy, có hơn ba tỉ nhân loại không có cầu tiêu để làm cái chuyện khoái lạc thứ tư. Có người phải ra đồng lồng lộng gió, mà làm chuyện “nhất quận công, nhì ị đồng”. Phải gấp gấp cho xong chuyện, không nhẩn nha được, vì hai tay phải múa lia lịa hất ra đàng sau, để xua đuồi lũ ruồi đồng đang vo ve “oanh tạc”. Xong việc, may mắn lắm thì có lá chuối khô mà lau chùi, còn không thì dùng đất cày, đá cục, nắm cỏ, que nhánh cây tươi, khô. Ông cứ nhớ thời làm việc ở quận lị, chỉ có nhà tiêu lộ thiên, hai tấm ván bắt ngang qua một hầm cầu lộ thiên, nắng xông hơi phân người lên nóng hừng hực rát cả mặt, bên dưới giòi bọ lúc nhúc lổm nhổm làm thành một tấm màn trắng-ngà chuyển động. Có con gà ở đáy hầm, nó đang thưởng thức ngon lành món giòi bọ, thấy ông xuất hiện bất thần, sợ hãi hoảng hốt đập cánh bay lên kêu quang quác và vung vãi ‘ám khí’ khắp trong không gian, làm ông cũng khiếp viá, ôm đầu phóng chạy dài. Nghĩ đến chừng đó thôi là ông đủ cảm được cái sung sướng đang có ngay bây giờ. Ngồi thật lâu, đọc cho xong mấy trang sách, mới nhởn nhơ rời phòng.
Ông Tư tự đãi một bình trà nóng, một ly cà phê thơm, rồi nấu nồi cháo gạo tẻ đặc rền ăn với cá kho mặn. Dọn ra bàn, đèn vàng soi một khoảng ấm cúng. Ông thong thả vừa hớp nhâm nhi, vừa ăn từng muỗng cháo, chất gạo béo tạo vị giác đi qua trong cổ họng. Ông lầm thầm: “Ngon, cao lương mỹ vị cũng không bằng”. Ông thường ngâm nga hai câu thơ: “Vợ cũ, chó già, tô cháo nóng. Ba nguồn thân thiết dạt dào thương”. Mắt ông dán vào trang thơ đang cầm trên tay, gật gù thưởng thức ý lời hoa gấm. Ông trầm mình vào những giòng thơ, tim xao xuyến xúc động mênh mang. Thỉnh thoảng ông dừng lại, và nói nhỏ cho chính ông nghe: “Tiên trên trời cũng chỉ sướng và thong dong như thế này là cùng”. Ông nhớ đến cái thời “tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên xã hội chủ nghĩa”, buổi sáng bụng đói meo, vác cuốc đi làm lao động tay chân nặng nhọc, ráng uống một bát nước lã để cầm hơi và đánh lừa cái bụng đang sôi sồn sột. Bây giờ được như thế nầy, phải biết cám ơn ân sủng của trời ban cho.Biết bao nhiêu tỉ người trên thế giới này mơ ước được có một buổi sáng thảnh thơi và no ấm như ông mà không được nhỉ?
Nhìn xuyên qua cửa phòng ngủ, ông thấy bà vợ nằm ngủ giấc yên bình, lòng ông dạt dào niềm thương. Bà đã cùng ông mấy mươi năm dắt dìu nhau trong phong ba bão táp của giòng đời nghiệt ngã. Đã chia sẻ ngọt ngào cũng như đắng cay của một thời khói lửa điên đảo. Giờ này, may mắn vẫn còn có nhau trong cuộc đời, thương yêu thắm thiết, nhường nhịn nâng đỡ chăm sóc ngày đêm. Không như những cặp vợ chồng già khác, cứ lục đục gây gổ nhau, tranh thắng thua từng li từng tí, làm mất hạnh phúc gia đình. Ông thương bà biết an phận thủ thường, không đứng núi này trông qua núi nọ. Ông thấy bà hiền lành và có trái tim đẹp như thánh nữ. Ông muốn vào phòng, hôn bà lên trán, nhưng ngại làm vợ mất giấc ngủ ngon buổi sáng. Ông lại cám ơn trời đã đem bà buộc vào đời ông. Ông cười và nhớ câu nói của một nhà văn nào đó: “Đời sống không thể thiếu đàn bà, nhưng sống được với một người đàn bà không phải dễ.”
Ông Tư ra vườn, một mảnh đất nhỏ trồng vài cây hoa, hương thơm thoang thoảng, có tiếng chim kêu đâu đó líu lo vọng lại. Mấy đóa hoa sặc sỡ còn đọng sương đêm lóng lánh. Nắng mai ấm áp phả lên da thịt ông, tạo thành một cảm giác dịu dàng, êm ái. Ông vươn vai, xoay người trong thế thể dục chậm, xương sống được thư giãn kêu răng rắc, đã đời. Hít thở và phất tay chừng mười lăm phút cho máu huyết lưu thông. Loại thể dục nầy đã giúp ông bớt được những cảm mạo thông thường, ông tin vậy.
Ông Tư thay áo quần để đi ra đường. Cầm cái áo lành lặn bằng vải tốt trên tay, ông thường nhớ đến thời đi tù, khâu bao cát làm áo, rách tả tơi, không đủ che gió lạnh thấu xương của núi rừng. Thế mà cũng có nhiều tù nhân khéo tay và nghịch ngợm, khâu bao cát thành bộ đồ lớn, đủ ba mảnh, và làm luôn cả cái “cà vạt”, mang vào trông cũng sang trọng như đi ăn đám cưới. Nhớ lại thời đó mà rùng mình. Còn sống sót, và đến được đất nước tự do này, cũng là một điều mầu nhiệm lạ lùng. Ông Tư đi ra đường, xe cộ vùn vụt qua lại liên miên. Lề đường rộng, phẳng phiu, sạch sẽ. Bên kia là giao điểm của hai xa lộ, các nhánh cầu cao đan uốn éo chồng chất lên nhau, vòng vèo trên không, như những nùi rối. Ông Tư thầm cám ơn tiền nhân đã đổ sức lực, mồ hôi, tài nguyên khai phá và xây dựng nên những tiện nghi này cho ông nhảy xổm vào hưởng dụng, mà không ai có một lời ganh ghét, tị hiềm. Ông, từ một trong những nước lạc hậu nhất của hành tinh này, bị chính quyền của xứ ông bạc đãi, kỳ thị, kềm cặp và lấy hết các tự do cơ bản. Đến đất nước này, ông được bình đẳng, có công ăn việc làm hợp với khả năng, con cái ông được đến trường, học hành thành tài, có nghề nghiệp vững chắc và sống với mức trung lưu. Ông cảm thấy còn nợ quê hương mới này quá nhiều thứ, từ tinh thần đến vật chất, mà biết không bao giờ trả lại được một phần nhỏ nào. Ông Tư vừa đi bộ vừa ca hát nho nhỏ.
Một người cảnh sát cao lớn dềnh dàng đi ngược đường chào ông, ông chào lại bằng lời cám ơn đã giữ gìn an ninh cho dân chúng sinh sống. Người cảnh sát cười và nói đó là bổn phận, vì lương bổng của ông ấy được trả bằng thuế của dân chúng, trong đó có ông. Ông Tư thấy trong lòng bình an, ông không làm điều gì phạm pháp, thì không sợ ai cả. Ông đọc trong báo, thấy có những xứ, dù không làm gì sai quấy cả, cũng bị cảnh sát giao thông chận lại đòi tiền, nếu không cho tiền, thì bị quy kết đủ thứ tội mà mình không có.
Nắng chiếu hoe vàng cả dãy phố của một ngày thu, ông Tư bước đi mà lòng rộn rã. Gặp ai cũng chào, cười vui vẻ. Nghe ông chào hỏi nồng nhiệt, mọi người đều vui theo. Thấy một ông cụ mặt mày đăm đăm rầu rĩ đi ngược đường, ông Tư lớn tiếng: “Chào cụ? Có mạnh khỏe không? Hôm nay trời nắng đẹp quá!”
Ông cụ trả lời qua loa: “Tàm tạm, chưa chết! Chán cái mớ đời”.
Ông Tư nói to: “Việc chi mà chán đời cho mệt cụ ơi. Chưa chết là vui lắm rồi. Cụ có biết là chúng ta đang sung sướng phước hạnh, tội chi phí phạm thời gian để buồn nản?
Ông cụ thở dài: “Ai cũng có nhiều việc âu lo! Đời đâu có giản dị! À, này, mà hình như ông đau chân, bước đi không được bình thường? Thế thì vui nỗi gì? ”
Ông Tư cười lớn: “Vâng, tôi đau chân, nhờ đau chân mà tôi thấy được niềm vui hôm nay lớn hơn, vì còn đi được, bước được, chứ chưa phải nằm nhà. Cụ ơi, nếu lo âu mà giải quyết được những khó khăn, thì nên lo. Nhưng nếu lo âu, mà không giải quyết chi được, thì hãy vui lên, cho đỡ phí phạm ngày tháng trời cho”.
Ông cụ già lắc đầu bỏ đi.
Ông Tư xà vào ngồi trên ghế đá mát lạnh của công viên dưới tàng cây có bóng nắng lung linh. Nhìn bọn trẻ con chơi đùa la hét lăn lộn trên bãi cát, ông vui lây với cái hồn nhiên của chúng. Bên kia đồi cỏ, có đôi nam nữ nằm dưới gốc cây, kê đầu lên tay nhau, tóc đổ dài óng ánh, thỉnh thoảng vang tiếng cười rúc rích. Đất nước này ấm no và thanh bình quá, sao có nhiều người còn kêu ca đời sống khó khăn? Phải chăng những kẻ này chưa biết an phận, muốn được nhiều hơn điều đang có, đang đủ. Không thấy được phước hạnh là lỗi tại họ. Ông dong tay bắt vài tấm lá rơi đang quay cuồng trong gió và lấy bút ghi lên mặt lá mấy giòng thơ vừa thoáng qua trong trí để ca ngợi cuộc đời. Thấy bãi cỏ êm mát, ông nằm dài, những vòng tròn sáng màu vàng rải rắc trên mgười ông. Gió hiu hiu mát từ hồ nước vờn qua làm mơn trớn thịt da. Ông Tư rút từ túi quần một cuốn sách nhỏ có nhan đề “14 ngàn điều làm nên hạnh phúc”. Tác giả tập sách nhỏ này, thấy đâu đâu cũng là hạnh phúc tràn đầy. Vấn đề là cảm nhận được cái sung sướng, cái hạnh phúc đang có. Từ việc đặt chân lên một tấm thảm mềm êm ái, đến việc cắn một trái ngọt chín mọng trong miệng, đến mơ mộng được hát trên bục một hộp đêm, nghe một lời nói dịu dàng yêu thương…
Hạnh phúc và sung sướng cảm nhận được từ những điều rất nhỏ nhặt, đơn sơ, tầm thường nhất trong sinh hoạt hàng ngày. Không cần phải là ôm chặt người yêu trong vòng tay, cũng chẳng phải vật nhau lăn lộn trên giường, cũng không cần đến việc cầm trong tay cái vé số trúng độc đắc, hoặc làm chủ được một tòa lâu đài sang trọng… Ông nghĩ, chắc sẽ có người cho tác giả tập sách nầy là kẻ “lạc quan tếu”. Nhưng thà lạc quan tếu hơn là bi quan. Đời nầy, có nhiều người đắm mình trong hạnh phúc, mà cứ tưởng đang ngụp lặn trong bể khổ. Hoặc đang được phước hạnh mà không biết và xem thường, chỉ khi mất đi, hay đã trôi qua, mới biết, thì đã quá muộn màng.
Nắng đã xông hơi nồng nóng, ông Tư đón chuyến xe buýt ra về. Cái vé xe cho người già rẻ rề, chỉ bằng một phần ba vé bình thường. Ông nói lời cám ơn tài xế, và thấy mang ơn những người cùng đi xe công cộng nầy, vì xem như họ đã gián tiếp gánh một phần tiền vé cho ông.
Về nhà, bà Tư đã dọn sẵn cơm trưa, mời ông rửa ráy cho sạch sẽ mà ra ăn. Thấy ly nước chanh muối, ông cầm uống, chất nước ngọt ngào mằn mặn chua chua, ngon lành đi qua cổ họng. Ông nhìn vợ với ánh mắt thương yêu và nói lời cám ơn cho bà vui. Chưa ăn, mà thấy bát canh bông bí nấu tôm đã biết ngon. Những món ăn thanh đạm này, với ông, còn ngon hơn sơn hào hải vị.
Ăn xong, còn chút cơm thừa, bà Tư bỏ vào chén, cất vô tủ lạnh, không dám đổ đi, vì sợ phí phạm của trời. Bà nhắc câu nói của ông: “Ngay giờ khắc nầy, trên thế giới có hơn năm trăm triệu người đang đói rã, không có một miếng gì đề ăn, và có hơn vài tỉ người ăn chưa no bụng, và nhiều tỉ người khác quần quật ngày đêm, cũng chỉ mong có đủ no mà thôi.” Đã từng đói, nên ông bà không dám phí phạm thức ăn.
Ông Tư mừng vì ăn còn thấy ngon miệng, không như một số người khác, ăn gì cũng như nhai đất sét, không muốn nuốt, vì nhạt miệng, mất vị giác. Một số người khác còn tệ hại hơn nữa, họ không còn ăn bằng miệng được, mà ăn bằng bụng, nhờ ống dẫn thức ăn nối với dạ dày, như đổ xăng cho xe hơi.
Ông Tư ngồi vào bàn mở máy vi tính lướt mau tin tức thế giới biến động. Đôi khi thấy giá thị trường chứng khoán tụt dốc xuống thấp, làm nhiều nhà bình luận lo ngại. Nhưng ông Tư cười, ông chẳng thèm để ý, không cần quan ngại chi cả. Chứng khoán lên hay xuống, cũng thế thôi. Ông có lo ngại hay quan tâm cũng chẳng thay đổi được gì. Với số tiền hưu khiêm tốn, và cách ăn tiêu trong khả năng tài chánh, ông bà Tư chưa bao giờ thấy thiếu thốn cái gì. Có một ông bạn khoe rằng nay đã thành triệu phú. Bà Tư đùa và hỏi, triệu phú thì khác người không là triệu phú cái gì? Ông bạn lúng túng ấp úng không biết phải trả lời ra sao. Nhưng ông bà Tư chắc chắn rằng, họ ít tiền, nhưng được sung sướng, đầy đủ hơn nhiều người giàu triệu phú khác.
Ông Tư rà mắt qua các tin tức và các biến cố mới nhất. Thật là tuyệt diệu và thần kỳ. Chuyện vừa xảy trong giờ trước, đã được tường thuật ngay. Dạo một vòng tin tức xong, ông quay qua mở vi-thư của bạn bè. Có những người bạn xa cách hàng ngàn dặm, mấy chục năm nay chưa gặp lại nhau, mà thư từ qua lại liên miên, tưởng như gần gũi trong gang tấc. Tha hồ hàn huyên tâm sự. Tình cảm qua lại thân thiết chứa chan. Nhờ máy vi-tính, khi viết, tha hồ bôi xoá tẩy sửa lung tung, mà không cần phải xé tờ này, viết lại tờ kia, vô cùng tiện lợi. Thư viết xong, chỉ cần một cái nhấp con chuột, bạn ông nhận được ngay tức thì. Không cần phải nhờ bưu điện chuyển đi có khi cả tuần mới đến. Hàng chục lá thư của bạn bè khắp nơi trên thế giới chuyển đến ông đủ điều hay, lạ, nhiều bài thuốc hiệu nghiệm, trăm bản nhạc du dương, ngàn hình ảnh tuyệt vời của các thắng cảnh thiên nhiên, các đoạn phim ngắn đủ thể loại của nhiều vấn đề khác nhau. Ông cám ơn khoa học kỹ thuật tiến bộ, đem thế giới mênh mông lại gần gũi trong không gian và cả thời gian.
Mỗi khi nghe tin một người già bệnh hoạn qua đời, ông Tư mừng cho họ thoát được thời gian đau yếu sống không chất lượng. Nhiều người nằm liệt vài ba năm, không sống, không chết. Còn có những kẻ phải cưa tay cưa chân. Ông vẫn thường mong sau này, nếu được chết, thì chết mau chóng, yên lành, khỏi qua thời gian bệnh hoạn lâu ngày.
Có một bạn già mỉa mai, cho ông Tư là “kẻ tự sướng” ông chỉ cười và nói: “Thà tự sướng hơn là tự khổ”.
Ông Tư thường nghĩ rằng, ông đã và đang được quá nhiều phước hạnh của trời ban, nhiều ân nghĩa của nhân loại, xã hội, nhiều tình thương của gia đình, bạn bè, người quen và cả chưa quen. Ông thấy sung sướng hạnh phúc. Ông tội nghiệp cho những người suốt đời than van, nắng không ưa, mưa không chịu, và tự bôi đen ngày tháng đẹp đẽ của họ, và dìm đời vào bất mãn, khổ đau.

Biết Bao Giờ Nguôi, bài viết của Ngọc Lan về Sĩ Phú.

tt

 Có ai không biết và không nhớ đến Sĩ Phú, nhưng có lẽ ít người biết chuỵên anh Sĩ Phú chống lại bệnh ung thư của anh ra sao.
Đây là một bài viết do cô Ngọc Lan viết lại với những ngày tháng cuối cùng sống bên anh Sĩ Phú,
Mời quý anh chị nghe đọc truyện nếu thích,
Caroline Thanh Hương

Résultat de recherche d'images pour "sĩ phú"

"Biết bao giờ nguôi"

Quốc Phương
www.bbcvietnamese.com



           
Ca sĩ Sĩ Phú và một trong những album cuối cùng được phát hành
Danh ca Sĩ Phú chinh phục làng văn nghệ Việt Nam với phong cách trình diễn và giọng ca đầm ấm, trữ tình, truyền cảm
Hạ tuần tháng Bảy và đầu tháng Tám năm nay, các thính giả và độc giả yêu văn nghệ cũng như âm nhạc Việt Nam từ trong nước và hải ngoại lại có dịp hướng về một sự kiện kép.
Đó là việc kỷ niệm tám năm ngày ra đi của nam ca sĩ hào hoa, với giọng hát trầm ấm, trữ tình, truyền cảm và sang trọng nổi tiếng trong làng âm nhạc Việt Nam, danh ca Sĩ Phú.

Đồng thời, tháng Tám này cũng là tròn bảy năm ngày ra đời của cuốn tự sự hồi ký đặc biệt "Biết bao giờ nguôi", được quỹ Sĩ Phú Foundation, ấn hành lần đầu tiên thời điểm bấy giờ, nhân ngày giỗ đầu của Sĩ Phú.

Phần một cuộc phỏng vấn bà Ngọc Lan
Các bạn đọc và thính giả gần xa yêu thích giọng ca Sĩ Phú, một người nổi tiếng trong giới âm nhạc Việt Nam về sự khiêm tốn và tự trọng, và cảm phục trước tấm gương chiến đấu chống chọi với bạo bệnh của Sĩ Phú đến hơi thở cuối cùng.

Còn với những người cảm mến tấm lòng của người phụ nữ, nhân vật kể chuyện với ngôi "tôi" trong cuốn Hồi ký vốn luôn sát cánh bên người bạn đời của mình, nay có thể dễ dàng tìm thấy toàn bộ nội dung cuốn sách trên website của Sĩ Phú Foundation (siphufoundation.com)

Có thể nói cuốn hồi ký "Biết bao giờ nguôi" mang trong mình nó một lúc ba sự kiện lớn, mà nhiều người gọi là sự kiện trong sự kiện.

Thứ nhất, nhờ có sự ra đời của cuốn sách này, mà nhiều người yêu giọng ca, phong cách và âm nhạc trữ tình của danh ca Sĩ Phú đã lần đầu tiên tìm được câu trả lời vì sao ngôi sao thanh nhạc tài hoa này lại gần như đột ngột biến khỏi đời sống sinh hoạt âm nhạc của cộng đồng Việt Nam hải ngoại trong nhiều năm.

Chiếm lĩnh trái tim

            Tác giả Ngọc Lan tại ngôi nhà từng chăm sóc ca sĩ Sĩ Phú những năm cuối đời
 Cái người kia kiện tôi ra toà làm cho tôi đau đớn khổ sở bảy, tám năm nay và làm cho tôi mất rất nhiều thời giờ... Bao nhiêu tiền tôi làm việc thì vô luật sư hết


Tác giả Ngọc Lan
Bạn đọc cũng có thể tìm được thêm cho mình một lời giải đáp thoả đáng, đầy đủ và sâu sắc nữa, qua cuốn tự truyện tràn đầy xúc cảm xung quanh số phận của các nhân vật chính.

Đó là vì nguồn cơn nào mà dường như nam danh ca Sĩ Phú đã khó lòng tránh khỏi số phận nghiệt ngã vốn hay được người đời lâu nay so sánh với cái được gọi là "tài hoa, bạc phận".

Sự kiện thứ hai là cuốn sách được viết bởi một tác giả văn học không chuyên, ngay sau khi ấn bản với một số lượng lên tới vài ngàn bản, chỉ sau vài tháng, đã hầu như không còn tìm được một cuốn trên thị trường sách văn nghệ hải ngoại.

Nhiều độc giả yêu mến Sĩ Phú và quan tâm đến đời sống văn nghệ của cộng đồng Việt Nam ở Hải Ngoại đã hết sức vất vả mời tìm được một cuốn, song thường phải đọc truyền tay nhau.

Phần 2 phỏng vấn bà Ngọc Lan
Từ trước đến nay, nhiều độc giả đã được làm quen với nhiều loại sách vở khác nhau, nhất là các cuốn hồi ký, hoặc sách danh nhân, bởi những tác giả là các văn sĩ, ngòi bút nhà nghề.

Chính vì vậy, có một điều khá ngạc nhiên qua tâm sự của nhiều độc giả khi họ cho biết rằng rằng, ngay từ những dòng đầu, chương đầu của cuốn sách, "Biết bao giờ nguôi" đã chiếm lĩnh trái tim của họ một cách trọn vẹn, tự nhiên bởi một sự chân thành, tha thiết sâu sắc mà cuốn sách đem lại.

Thế nhưng, Sĩ Phú Foundation, nơi sản xuất, phát hành và sử dụng toàn bộ số tiền thu được từ việc bán cuốn sách này cùng nhiều tác phẩm khác nhau của danh ca Sĩ Phú, cho mục đích từ thiện, sau đó đã không tái bản cuốn sách.

Đó là một câu hỏi lớn được đặt ra, vì như người đứng đầu Quỹ này cho biết, đã luôn có một số lượng đáng kể các độc giả, thính giả bày tỏ nhu cầu tìm mua để được thưởng thức cuốn sách.

Và đây chính là sự kiện thứ ba liên quan tới tác giả của cuốn Hồi ký "Biết bao giờ nguôi".

Đau đớn, khổ sở

           
Sĩ Phú trong lần ra mắt album cuối cùng tháng 6/2000
Danh ca Sĩ Phú được các bạn bè làng văn nghệ quây quần chia sẻ trong lần ra mắt album cuối cùng 6/2000
Trao đổi với BBC Việt ngữ ngày 24/07/2008, tác giả cuốn Hồi ký, bà Ngọc Lan, lấy làm tiếc nói rằng, ngay sau khi cuốn sách ra đời, trong khi đa số các bạn đọc yêu mến đón nhận tác phẩm, thì một trong các nhân vật được cuốn Hồi ký đề cập hoàn toàn tích cực, đã đệ đơn kiện tác giả.

Bà Ngọc Lan, người đồng thời phụ trách Quỹ Sĩ Phú Foundation chuyên làm từ thiện ở Việt Nam theo thiện nguyện của Sĩ Phú, kể rằng đã bị vướng vào vụ kiện tụng đầy rắc rối này, mà mặc dù bà luôn được xác định là có đủ chứng cứ pháp lý ủng hộ.

Rất may, theo lời kể của nữ tác giả, vụ kiện đã được khép lại gần đây.

Phần 3 phỏng vấn bà Ngọc Lan
Tác giả cuốn hồi ký, đồng thời là người bạn đời tri kỷ, đồng hành, chăm sóc cố danh ca Sĩ Phú trong những ngày tháng cuối cùng của sự nghiệp về chiều, cho hay cuối cùng bà cũng được các thầy toà xử thắng, song đã mất rất nhiều thời gian, công sức và tiền của hầu toà:

"Cái người kia kiện tôi ra toà làm cho tôi đau đớn, khổ sở bảy, tám năm nay và làm cho tôi mất rất nhiều thời giờ... Bao nhiêu tiền tôi làm việc thì vô luật sư hết."

Bình luận về câu chuyện này, nhiều bạn đọc cho rằng, đó là một trong những cái giá mà cuốn Hồi ký và tác giả của nó đã phải trả, để đổi lấy sự yêu thương, mến mộ của bạn đọc gần xa.

Để rồi từ sự tò mò, nhiều bạn đọc sau khi trải qua hơn 30 chương sách với 600 trang của câu chuyện "tình muộn", đầy cảm động này, đã đi đến một sự thông cảm, chia sẻ, yêu mến và cảm phục hầu như hoàn toàn với tác giả của cuốn sách.

Nhân kỷ niệm tám năm ngày Sĩ Phú ra đi và bảy năm ngày cuốn hồi ký tự truyện của Ngọc Lan với tựa đề "Biết bao giờ nguôi" ra mắt, xin trân trọng giới thiệu với các bạn phiên bản điện tử của cuốn chuyện kể cảm động này trên địa chỉ http://siphufoundation.com.

            Tác giả Hồi ký Ngọc Lan
 Mình không tin tưởng là mình sẽ vượt qua, thì mình sẽ không vượt được qua. Mình tin tưởng mình vượt qua, thì có thể mình sẽ vượt qua


Tác giả Ngọc Lan
Niềm tin vượt qua

Riêng với những bệnh nhân đang phải chiến đấu, giành giật sự sống từ bạo bệnh ung thư và những người thân hay bạn bè đang chăm sóc và chia sẻ với họ, hy vọng cuốn sách có nhiều tác dụng giáo dục này, sẽ đem lại cho bạn đọc thêm một trải nghiệm sâu sắc mới.

Đó có thể nói là một sự trải nghiệm ngợi ca lòng can đảm, tình nghĩa vợ chồng sắt son và trên hết là tình yêu thương cao cả của con người với nhau, cho nhau và vì nhau.

Tác phẩm cũng cung cấp những lời khuyên quý giá, giản dị, gần gũi mang tính chia sẻ đầy nhân văn, có thể giúp những người trong hoàn cảnh tật bệnh nặng nề, tiếp tục vững tâm, bền chí bước tiếp trên con đường tranh đấu đầy cam go cho sức khoẻ và hạnh phúc của mình.

Tác giả Ngọc Lan, người từng tốt nghiệp văn khoa tại Việt Nam và sang làm việc tại Hoa Kỳ trong cương vị cố vấn điện toán và tin học cao cấp cho nhiều hãng xưởng có tiếng tại đây từ năm 1972 tới nay, có lời nhắn nhủ riêng với các bệnh nhân:

"Bằng bất cứ cách nào không nên đầu hàng bệnh trạng của mình. Mình nên chiến đấu đến cùng, và nên tin tưởng là mình sẽ vượt qua".

Phần cuối phỏng vấn bà Ngọc Lan
Người phụ nữ từng sát cánh bên chồng, danh ca Sĩ Phú, cùng chiến đấu chống chọi lại căn bệnh ung thư phổi di căn lên não của ông, đã kể lại câu chuyện với một lối hành văn dung dị, chân thành, và qua đó làm nên một trong những cuốn hồi ký cảm động nhất mà nhiều độc giả từng đọc.

Tác giả của cuốn sách vốn tôn vinh tình yêu trong sáng cùng nghĩa cử thương yêu giữa những con người luôn bên nhau trong hoạn nạn này, chia sẻ với những bệnh nhân của chứng nan y:

"Mình không tin tưởng là mình sẽ vượt qua, thì mình sẽ không vượt được qua.

''Mình tin tưởng mình vượt qua, thì có thể mình sẽ vượt qua.

''Và nếu như mình không thể vượt qua, mình ra đi, thì mình biết rằng mình đã chiến đấu. Thì sự ra đi đó không có uổng."

Hoài Nhân, Sài Gòn
Rất tiếc là tôi được biết cuốn sách này quá trễ. Tôi là một fan của dòng nhạc tiền chiến. Qua cuốn sách tôi rất kính trọng nhân cách và con người của Sĩ Phú. Cũng thật đáng khâm phục cho tác giả cuốn hồi ký.

Hùng
Đúng là tiếng hát của Sĩ Phú nhẹ nhàng, thiết tha và sang trọng. Một tiếng hát mang đến sự yên lành.

Nguyễn, UK
Tôi sống ở một thành phố rất ít người VN nên không biết nhiều về tin tức cộng đồng người Việt chúng ta, dĩ nhiên rất buồn nhưng cũng tránh được những hỗn tạp nhức đầu mà tôi thường nghe kể lại.

Bài viết và cuốn chuyện tình của SP-NL đã thúc đẩy tôi đã vào net đễ tự tìm hiểu thêm chi tiết.

Cũng khổ cho tác giả hồi ký thật, 8 năm rồi mà chị vẫn chưa được để yên, mọi người có vẻ không được công bằng cho tác giả lắm, kể cả Anh Sĩ Phú cũng có lúc đã vô tình. Song nghe tác giả trả lời qua cuộc phỏng vấn, mừng là chị rất vững tâm, kiên cường và cũng một phần vị chị có lòng vị tha rất lớn.

Quỳnh Trang, Melbourne, Úc
Tôi là một người Việt Nam 100%, mê ăn canh chua, cá kho tộ... Tôi xin cảm ơn quyển đã "bật mí" cho độc giả biết danh ca Sĩ Phú "rất thích phở, bún chả Hà Nội, canh cải bẹ xanh, cá thu kho riềng"...

Hùng Lê, Europe
Tôi tin là cuốn hồi ký này sẽ có một sức sống trong nhiều thế hệ bạn đọc yêu mến nó, bởi nó giúp nhiều người sống nhân hậu hơn, có ý nghĩa hơn.

Ngọc Nữ, USA
Tôi chưa bao giờ biết nấu phở thật ngon. Thấy trong sách diễn tả cách làm phở hay quá. Nơi tôi ở phải lái xe tới 3 tiếng đồng hồ mới tới tiệm phở. Giờ đã biết biết 'bí kíp' nấu phở rồi. May mắn và hay tuyệt!

Nguyễn Hiếu
Tôi luôn quí trọng Sĩ Phú, anh là niềm hãnh diện của quân chủng không quân chúng tôi và đời phi công của chúng tôi nói riêng. Với tôi có 2 giọng ca mà tôi yêu thích xưa nay, đó là Sĩ Phú và Khánh Ly.

Đã thật buồn khi hay tin anh mất ngày đó, tôi thấy như mất đi một gì đó to lớn lắm, mất đi một chiến hữu, một đàn anh kính mến, một giọng ca riêng.

Sau khi đọc bài nầy và Hồi ký, tôi càng quí mến Sĩ Phú nhiều hơn. Nhưng theo đúng như bài viết, thì tác giả Hồi ký mới là người đáng được kính phục, trước những hy sinh, sự chịu đựng và tấm lòng cao cả của tác giả, giành cho chồng trong những tháng ngày sau cùng đó.

Theo tôi, đó mới là yêu thương cùng tận, một chuyện tình cao đẹp trong nhất trong đời, thật khó cầm được nước mắt.

DN, San Jose, USA
Tôi nghe đài BBC giới thiệu nên liền tìm đọc bài viết này trên trang web. Nghe xong cuộc phỏng vấn và đọc luôn quyển sách hồi ký của cô Ngọc Lan, tôi thật xúc động và muốn cám ơn BBC và cô đã làm sáng tỏ về cuộc đời của danh ca Sĩ Phú.

Thật không ngờ, tôi cũng ở San Jose cùng thời gian Sĩ Phú ở đây nhưng không biết gì cả. Tôi có nghe em tôi nói là từng gặp Sĩ Phú ở San Francisco, ông này bay bướm và ăn chơi lắm, tôi cứ tưởng là nghệ sĩ đẹp trai và danh tiếng như Sĩ Phú thì có gì đâu lạ!

Tôi có nghe một đĩa CD của Sĩ Phú ở hải ngoại nhưng không hài lòng như lúc trước ở VN. Bây giời tôi đã hiểu và thương cho một kiếp người gian khổ và một tình yêu thật đẹp...

Tran, USA
Tôi bị bệnh ung thư đầu và cổ (head/neck cancer) đã được 4 năm và đã gần qua khỏi. Những gì tác giả Hồi ký viết trong sách rất đúng, ta phải lạc quan bình tĩnh, và vui vẻ đi trị bệnh.

Tôi cũng may mắn có nhà tôi quán xuyến mọi chuyện, nên mặc dầu các con còn nhỏ, nhưng tôi lúc đó đã luôn tin tưởng. Trong thời gian trị bệnh thì cũng như trường hợp của Sĩ Phú, tôi cố gắng để khỏi phiền lòng người thân. Tôi thấy phần tác giả Hồi ký viết về nhà thương và ý tá, bảo hiểm rất là chính xác.

Nếu không đọc tác phẩm, có thể tôi chỉ biết đến Sĩ Phú là một ca sĩ tài hoa thôi, chứ không biết đến đời sống của của hai người quả là một tuyệt tác của Thượng Đế. Tôi thực sự nghĩ rằng những ai đang trải qua thử thách trong tình yêu, bệnh tật nên có quyển sách này.

Khoa, VN
Tôi có biết cuốn hồi ký Biết bao Giờ nguôi và rất thích cuốn sách này. Nhưng tôi không biết là sách có thể tìm thấy ở Việt Nam hay không?

Hoa Trần, Georgia, USA
Thật tình cờ, sáng hôm qua tôi vào trang web BBC Việt ngữ và đọc được bài viết về Sĩ Phú, Ngọc Lan. Cũng nhờ đây mà tôi được nhìn thấy hình ảnh của tác giả cuốn Hồi ký vì trong cuốn Hồi ký trên mạng không hề có tấm hình nào cảu chị.

Nguyên Vũ
Đã 8 năm trôi qua kể từ ngày Sĩ Phú ra đi và cuốn Hồi ký của ông ra đời, tất cả tưởng chừng đã đi vào quên lãng. Nhưng không phải vậy, hôm nay qua bài phỏng vấn của đài BBC với tác giả Ngọc Lan, quá khứ ấy lại được khơi lại.

Thực ra, với ai đã từng mến mộ tiếng hát của Sĩ Phú, thì khó có thể quên được người nghệ sĩ lãng tử này. Riêng tôi, vào những buổi sáng se lạnh, trên đường tới sở làm, chỉ cần nghe tiếng hát của ông là lòng cảm thấy như bay bổng, nhẹ nhàng, cuốn hút vào kỷ niệm thời xa cũ.

Cảm ơn tác giả Hồi ký, người bạn tri kỷ cuối đời của Sĩ Phú, đã bỏ ngoài tai những thị phi, để góp nhặt những kỷ niệm vui, buồn của người nghệ sĩ lớn này, mà không ai khác có thể làm thay được.

Đoàn Minh (UK)
Tôi ở bên Anh Quốc, thị trường nhạc Việt Nam rất ít, rất khó mua.
Tôi đọc tin về Sĩ Phú ở trên BBC website. Tôi nhỏ hơn Sĩ Phú vài tuổi, là cựu sĩ quan hải quân và rất mê giọng hát của Sĩ Phú. Tôi rất mong tìm được một vài CD của danh ca này để thưởng thức.

S. Tran, Philadelphia
Hôm qua vào BBC, tôi mới biết được tác phẩm "Biết Bao Giờ Nguôi", và đã thức cả đêm đọc say mê. Đây là một tác phẩm tình yêu tuyệt vời (a beautiful love story), một thiên hùng ca chiến đấu với bệnh tật, và khổ nhọc săn sóc người yêu.

Tôi cũng đã trải qua trận chiến với ung thư nên quá rành về những màn kim chích vào nát tay để vào thuốc chemo. Nhưng đọc qua tác phẩm này, mới biết trân trọng quí những gì mình đang có, và yêu quí lối sống của Sĩ Phú đó là làm những gì mà người khác yêu thích.

Nhờ có tác phẩm của Ngọc Lan mà mọi người biết được cuộc đời và tấm lòng của danh ca Sĩ Phú, không chỉ có tiếng hát và bề ngoài, mà là cuộc sống đầy yêu thương, độ lượng. Mà tình yêu thì không bao giờ mất cho dù cuộc đời này có qua đi. Xin nhiều lần cảm ơn cuốn Hồi ký.

Minh Hoàng, Biên Hoà
Thắm thoát mà đã nhiều năm trôi qua. Kỷ niệm ngày giỗ lần thứ 8 của người danh ca tài hoa, bạc mệnh, tôi đọc lại những dòng chữ chan chứa yêu thương và chua xót của người vợ ông trong quyển hồi ký trên web, đọc mê mãi, từ chương thứ nhất đến chương cuối cùng. Câu chuyện cũ mà sao như vừa mới xảy ra.

Đóng lại trang web, mà trước mắt tôi vẫn hiện lên hình ảnh dịu dàng nhân hậu của Cô Ngọc Lan trong những ngày ở hospital để chăm sóc cho người bạn đời ấy…. sự nhẫn nhịn, chịu đựng của cô đối với những đòi hỏi quá quắt của một số người. Tôi nghĩ rằng sự nhẫn nhịn ấy xuất phát từ một tình yêu tha thiết đối với chồng

Nguyên Anh
Tôi đã đọc hết cuốn hồi ký và nhiều khi không cầm được nước mắt. Tôi cảm nghĩ ngày buồn nào rồi cũng qua, cõi thế ghan này như cõi tạm, và những người yêu thương nhau rồi sẽ gặp lại nhau.

Đức, Sài gòn
Thật sự là tôi cảm thấy mất mát rất lớn khi Sĩ Phú đã ra đi, thế là không còn được nghe thêm một bài hát nào mới của Ông. Tôi là người mê giọng ca Ông từ lâu và rong rủi khắp Sài gòn nhưng chỉ tìm được khỏang 10 đĩa của Ông; nhưng tiếc thay không tìm được đĩa có bản quyền. Mong rằng ai biết được chỉ giúp tôi.

Huỳnh Hải
Một giọng ca như Sỹ Phú xưa nay hiếm. Một người tình, người vợ như Ngoc Lan cũng hiếm không kém. Chúc Bà Ngọc Lan luôn bình an và hạnh phúc trong tâm hồn.

T. Nguyễn, USA
Tình cờ tôi được nghe cuộc phỏng vấn của Ngọc Lan trên đài BBC và được vào trang Si Phu Foundation. Tôi đã đọc không bỏ sót một đề mục nào. Tôi rất mến phục người phụ nữ chăm sóc chồng trong cuốn hồi ký, rất ái mộ và hương cảm cho cuộc tình quá ngắn ngủi giữa hai nhân vật chính. Cuối cùng, tôi rất muốn có một cuốn hồi ký "Biết bao giờ nguôi".

Không nêu danh
Bảy năm trước, tôi có hân hạnh mua được cuốn hồi ký "Biết bao giờ nguôi" với vài giòng thủ bút của tác giả lưu lại làm kỷ niệm. Tuần này đọc lại cuốn sách đã một thời làm mình cảm động, vẫn cảm nhận được sâu sắc câu chuyện tình đằm thắm dịu dàng của tác giả hồi ký đối với danh ca Sỹ Phú. Tôi nghĩ trên đời này không dễ gì tìm thấy những tình cảm thật nồng ấm tình nghĩa như câu chuyện trong hồi ký.

Thuỷ Lệ
Sáng nay tôi tình cờ nghe đài BBC. Tôi xin chia sẻ với tác giả cuốn hồi ký vì một số chuyện làm chị buồn lòng trong thời gian qua.

Dầu gì đi nữa, thì tác giả hồi ký đã trang trải hết lòng mình một cách vô cùng chân thật trong một cuốn sách thật giản dị, thắm đậm tình thương yêu con người. Sau khi đọc xong tác phẩm, mọi người càng thêm lòng thương mến danh ca Sỹ Phú, một tiếng hát mãi đến bây giờm chưa một ai thay thế được. Nhân cách của Sỹ Phú thật hiếm trong chốn nhân gian này. Chúc cho tác giả cuốn hồi ký có thêm thật nhiều nghị lực. Một thính giả yêu mến tiếng hát của Sỹ Phú và văn phong của Ngọc Lan.

Tulip, VN
Không có ai thay thế được giọng ca của Sĩ Phú, khi ông trình bày nhạc phẩm "Mộng dưới Hoa".

Kim, Sài Gòn
Tôi có dịp biết đến tác giả Ngọc Lan thông qua buổi nói chuyện của cô với đài BBC. Đọc hồi ký " Biết bao giờ nguôi " của cô, tôi cảm động rơi nước mắt vì ngay từ chương I - Duyên tiền định, tôi đã bắt gặp hình ảnh của bản thân trong đó.

Tôi không biết Sĩ Phú, chỉ nghe nhạc Sĩ Phú hát nhưng buồn lắm. Tôi biết, mọi việc trên đời đều có cái nhân duyên gặp gỡ. Tôi nói rất chân tình rằng tôi mến mộ ngòi bút viết hồi ký của Ngọc Lan.

Chỉ bắt nguồn từ trái tim chân thật và yêu thương vô bờ mới có thể làm được và viết được như thế.


Biết Bao Giờ Nguôi Sĩ Phú - Ngọc Lan [Ngọc Lan N.Hà T.Hữu]

Postby huumit » 16 Oct 2011
Hồi Ký của Ngọc Lan về 'Biết Bao Giờ Nguôi Sĩ Phú' do Ngọc Lan , Nguyên Hà và các Thân Hữu cùng diễn đọc ( 32 tập )

Link Mediafire

01 http://www.hotmit.com/mediafire/BietBao ... L_NgHa.mp3
02 http://www.hotmit.com/mediafire/BietBao ... L_NgHa.mp3
03 http://www.hotmit.com/mediafire/BietBao ... L_NgHa.mp3
04 http://www.hotmit.com/mediafire/BietBao ... L_NgHa.mp3
05 http://www.hotmit.com/mediafire/BietBao ... L_NgHa.mp3
06 http://www.hotmit.com/mediafire/BietBao ... L_NgHa.mp3
07 http://www.hotmit.com/mediafire/BietBao ... L_NgHa.mp3
08 http://www.hotmit.com/mediafire/BietBao ... L_NgHa.mp3
09 http://www.hotmit.com/mediafire/BietBao ... L_NgHa.mp3
10 http://www.hotmit.com/mediafire/BietBao ... L_NgHa.mp3
11 http://www.hotmit.com/mediafire/BietBao ... L_NgHa.mp3
12 http://www.hotmit.com/mediafire/BietBao ... L_NgHa.mp3
13 http://www.hotmit.com/mediafire/BietBao ... L_NgHa.mp3
14 http://www.hotmit.com/mediafire/BietBao ... L_NgHa.mp3
15 http://www.hotmit.com/mediafire/BietBao ... L_NgHa.mp3
16 http://www.hotmit.com/mediafire/BietBao ... L_NgHa.mp3
17 http://www.hotmit.com/mediafire/BietBao ... L_NgHa.mp3
18 http://www.hotmit.com/mediafire/BietBao ... L_NgHa.mp3
19 http://www.hotmit.com/mediafire/BietBao ... L_NgHa.mp3
20 http://www.hotmit.com/mediafire/BietBao ... L_NgHa.mp3
21 http://www.hotmit.com/mediafire/BietBao ... L_NgHa.mp3
22 http://www.hotmit.com/mediafire/BietBao ... L_NgHa.mp3
23 http://www.hotmit.com/mediafire/BietBao ... L_NgHa.mp3
24 http://www.hotmit.com/mediafire/BietBao ... L_NgHa.mp3
25 http://www.hotmit.com/mediafire/BietBao ... L_NgHa.mp3
26 http://www.hotmit.com/mediafire/BietBao ... L_NgHa.mp3
27 http://www.hotmit.com/mediafire/BietBao ... L_NgHa.mp3
28 http://www.hotmit.com/mediafire/BietBao ... L_NgHa.mp3
29 http://www.hotmit.com/mediafire/BietBao ... L_NgHa.mp3
30 http://www.hotmit.com/mediafire/BietBao ... L_NgHa.mp3
31 http://www.hotmit.com/mediafire/BietBao ... L_NgHa.mp3
32het http://www.hotmit.com/mediafire/BietBao ... L_NgHa.mp3
19