Caroline Thanh Hương
"Đại ca" Hai Miên sống ngang tàng nghĩa hiệp, chết vô đình
Thứ sáu, 04/12/2015 07:03
Cậu Hai Miên tên thật là
Huỳnh Công Miên, sinh năm 1862 tại xứ Gò Công (nay thuộc vùng Gò Công
Đông, Tiền Giang). Chết trong vòng vây 40 tay “đâm thuê chém mướn” ở
khu vực Cầu Kho hiện nay năm 1899.
Lễ cúng ở hậu sở đình Nhơn Hòa tưởng nhớ tiền nhân, trên bàn thờ là bài vị Cậu Hai Miên - Ảnh: Hồ Tường
Cha mẹ của Huỳnh Công Miên có tổng cộng năm người con: Cậu Hai Miên vốn
là con trai thứ hai, con trai út là Huỳnh Công Viễn, cùng với ba người
con gái giữa, trong đó hai người con gái đã trở thành nữ tu đạo Thiên
Chúa và một người chết lúc còn nhỏ.
Vợ của Cậu Hai Miên là bà Lê Thị Túy, em gái cai tổng Lê Quang Chiểu
(người gốc ở Phong Điền, Cần Thơ), một người nổi tiếng tiểu thư khuê
các, văn hay chữ tốt, có nhà ở vùng Tân Hòa xã, nay là khu vực phường
Cầu Kho và phường Nguyễn Cư Trinh (quận 1, TP.HCM).
Cha của Huỳnh Công Miên là Huỳnh Công Tấn - đã được người Pháp ban cho
chức Lãnh Binh sau khi đưa quân Pháp đàn áp một số các phong trào khởi
nghĩa ở miền Nam chống lại sự xâm lược của Pháp vào Việt Nam vào nửa
cuối thế kỷ 19.
Cậu Hai Miên thuở nhỏ cùng cha mẹ và người hầu (phía sau) - Ảnh tư liệu
Cây đắng sanh trái ngọt: bỏ việc bất nghĩa đàn áp nghĩa quân
Nhiều người nói rằng cha con Lãnh Binh Huỳnh Công Tấn và Cậu Hai Huỳnh
Công Miên là trường hợp khác thường: cây đắng sanh trái ngọt.
Nếu người cha là Lãnh Binh Tấn bị người đời cười chê là: “Chó săn có lũ
thằng Tường (Tôn Thọ Tường) - Thằng Lộc (Trần Bá Lộc), thằng Tấn (Huỳnh
Công Tấn), thằng Phương (Đỗ Hữu Phương) một đoàn”, thì Cậu Hai Miên lại
được dân gian ca ngợi là: “Nam kỳ có cậu Hai Miên - Con quan lớn Tấn ở
miền Gò Công - Cậu Hai là bực anh hùng - Ăn chơi đúng bực anh hùng liệt
oanh! - Nam kỳ lục tỉnh nổi danh”…
Năm 17 tuổi, Huỳnh Công Miên cùng với Trần Bá Hựu (em ruột Trần Bá
Lộc), Lê Công Phụng, con nuôi của Lãnh Binh Huỳnh Công Tấn, được qua
Pháp du học Trường La Seyne gần Toulouse.
Sau 4 năm, cả ba không đỗ đạt bằng cấp gì cả, nhưng nói trôi chảy tiếng
Pháp, về nước được Pháp cho làm thông ngôn, sau thăng ông Phán, tri
huyện hàm.
Riêng Huỳnh Công Miên lúc mới về nước, được cử làm việc dưới trướng
Tổng đốc Trần Bá Lộc lúc đó được điều ra miền Trung đánh phá phong trào
yêu nước của anh hùng Mai Xuân Thưởng.
Trong cuộc hành quân 70 ngày, Trần Bá Lộc đã ra tay giết chết, khủng bố
hàng loạt người dân lương thiện đến nỗi người Pháp cũng phải kinh sợ.
Lộc còn lập kế bắt mẹ của lãnh tụ nghĩa quân tra khảo, đe dọa giết để
Mai Xuân Thưởng về hàng. Những việc sát hại đồng bào của Trần Bá Lộc đã
khiến Huỳnh Công Miên phẫn uất, chán nản, thấy mình không thể theo Lộc
làm những điều tàn ác được nữa, nên đã bỏ quan chức mà trở về làm thường
dân.
"Giữa đàng thấy chuyện bất bằng chẳng tha"
Từ đó, Huỳnh Công Miên trở thành một công tử ăn chơi khét tiếng miền Nam. Dân chúng gọi bằng “Cậu Hai Miên”.
Cậu Hai sống theo kiểu giang hồ hảo hán, lưu linh miễn tử khắp Nam kỳ,
sống hoang đàng, tiêu tiền như nước và thường làm những việc nghĩa hiệp
“giữa đàng thấy chuyện bất bằng chẳng tha”.
Hành động “từ bỏ chức tước, quyền hành cao sang, tránh xa những công
việc tàn ác, sát hại đồng bào” của Cậu Hai Miên đánh đúng tâm lý của
người dân Việt Nam thời bấy giờ, nhất là tầng lớp dân lao động, đó là
tâm lý “trọng nghĩa, khinh tài” mà Trịnh Hoài Đức đã ghi nhận về những
người dân cần cù của Phiên An (sau là Sài Gòn, Gia Định, nay là TP.HCM)
trong Gia Định Thành Thông Chí từ đầu thế kỷ 19.
Đó có thể xem là lý do đầu tiên mà người dân Nam kỳ, trong đó có dân
lao động ở khu vực Cầu Muối, đã nể trọng Cậu Hai Miên, để từ đó thờ Cậu
tại đình Cầu Muối sau khi Cậu thất lộc ngay trên địa bàn cư trú của
mình.
Cuộc đời của Cậu Hai Miên đã để lại những dấu ấn tốt đẹp trong tình cảm của người dân lao động.
Trước hết là hành vi “tống tiền” của Cậu Hai Miên với quan tham biện
tỉnh Mỹ Tho (người Pháp, chức này tương đương chủ tịch ủy ban nhân dân
tỉnh ngày nay) với kết quả: vị quan Tây này nể uy quyền của quan lớn Tấn
(cha Cậu Hai Miên) đã phải trả lời: “Hết tiền, cậu cứ xuống kho lấy
xài” (vè cậu Hai Miên).
Chưa hết, nhiều người cũng nhắc chuyện Cậu Hai Miên ra tay đánh cặp rằn
(giám thị) Tây vì ức hiếp dân phu đào ao Trường Đua ở Gò Công…
Chẳng những coi thường quan Tây, Cậu Hai Miên còn ra tay trị tới những
tham quan ô lại người Việt thời bấy giờ, trong đó có một hương quản
(tương đương trưởng công an xã, phường, thị trấn ngày nay) vốn từng cầm
roi cá đuối đánh đập dân làng.
Tay này đã bị Cậu Hai Miên trừng trị đến nỗi phải chạy đi xứ khác:
“Hương quản đã trốn bỏ làng, Còn ai đâu nữa nghinh ngang ỷ quyền”.
Cậu Hai Miên không dừng lại ở đó mà còn trừng trị bọn cường hào ác bá
mới nổi lên tại Bạc Liêu ở xứ Nam kỳ thuộc địa: anh em chủ Thời, chủ
Vận...
Ông chủ Thời có một cô con gái tên là cô Hai Sáng. Dân chúng khắp trong
vùng này không ai dám nói đến chữ Sáng như “buổi sáng”; hồi “sáng mai”,
mà phải nói lại “buổi sớm”; “sớm mơi”... cũng đủ biết thế lực hai ông
ấy ra sao. Có một lần đoàn ghe hầu mấy chiếc của cậu Hai Miên ngao du
tới xứ Bạc Liêu.
Nghe nói về chủ Thời, chủ Vận, cô Hai Sáng, Cậu Hai Miên tức giận vô
cùng. Cậu đã cho ghe ghé lại. Về chuyện này, ông Nguyễn Công Chẩn (phó
ban quản trị đình Cầu Muối) lúc còn sống từng kể rằng Cậu Hai Miên đã ra
lệnh lột hết quần áo cô Hai Sáng, trói lại và kéo lên cột buồm. Ông chủ
Thời vội vã xuống nước nhỏ, năn nỉ, thương lượng với Cậu Hai Miên xin
chuộc cô Hai Sáng bằng một bao cà ròn giấy bạc.
Cậu Hai Miên bằng lòng, mở trói cho cô Hai Sáng, rồi gia nhân ôm bao cà
ròn đầy nhóc giấy bạc xuống ghe, chèo đi. Từ đó, ông chủ Thời, chủ Vận
bớt hống hách với dân làng…
Đời nào cũng vậy, hễ ai ra tay trừng trị bọn tham quan ô lại, cường hào ác bá đều được dân lành tin yêu, kính mến.
Đó là lý do thứ hai khiến cho dân Cầu Muối đã thờ Cậu Hai Miên từ bao đời nay.
Cậu Hai Miên còn hay giúp đỡ người thất cơ, lỡ vận và kẻ dưới tay. Mở
đầu “Thơ Cậu Hai Miên” là câu chuyện Bảy Danh, Tám Hổ, Ba Ngà đến nhà
than phiền với Cậu Hai Miên là mới thua ba ngàn đồng tiền chơi me ở nhà
Chệt Lù (tên thường gọi của một người Hoa chơi cờ bạc), nhờ Cậu gỡ gạc
giùm.
Cậu Hai Miên liền cho người gọi Chệt Lù đến để “gầy sòng”, kết quả Cậu
đã thắng bạc hơn bốn ngàn hai và trả lại tiền cho ba tên đã thua.
Nếu chỉ có vậy thì chưa chắc giới bình dân đã khoái Cậu Hai Miên, mà
Cậu còn làm nhiều việc nghĩa hiệp. Đó là lúc cậu ra tay đánh tên vô lại
Tám Hổ để bảo vệ người phụ nữ bị tên này ức hiếp. Tuy nhiên, Cậu Hai
Miên còn chơi rất giang hồ mã thượng, đó là khi Tám Hổ bị “nốc ao” xin
tha tội thì “Cậu hai thấy vậy tha ngay”!
Sống ở đời, làm việc nghĩa hiệp luôn được mọi người ca ngợi.
Cầu Kho năm 1955 - Ảnh tư liệu
Tung hoành bốn phương, chết ngay cửa nhà
Nhà của vợ chồng Cậu Hai Miên ở vùng Cầu Kho (trước là xã Tân Hòa, nay
là khu vực phường Cầu Kho và phường Nguyễn Cư Trinh, thuộc quận 1,
TP.HCM).
Lang bạt kỳ hồ rồi Cậu Hai cũng phải về với mái ấm gia đình.
Sau lần chọc trời khuấy nước ở Bạc Liêu, ngày mùng 6 tháng chạp năm Kỷ
Hợi (1899), Cậu Hai Miên trực chỉ vùng “khói tỏa Cầu Kho thăm vợ hiền”
thì đã bị cô Hai Sáng rửa hận.
Ông nội của nhà nghiên cứu Trương Ngọc Tường (Cai Lậy, Tiền Giang) lúc
sinh tiền kể lại rằng: lần đó, cô Hai Sáng thuê hơn 40 tay “đâm thuê
chém mướn” cầm dao xắt chuối bao vây Cậu Hai Miên.
Mặc dù rất giỏi võ, nhưng Cậu Hai không đương cự nổi, lâm cảnh “mãnh hổ
nan địch quần hồ”, đã qua đời, hưởng dương 38 tuổi. Đây là tuổi qua đời
yểu mạng, mà người xưa cho là chưa tới số!
Sống không khuất phục trước cường quyền, sẵn sàng ra tay diệt trừ cường
hào ác bá, bênh vực kẻ yếu, rộng lượng với người dưới ngựa; qua đời
tuổi trung niên, cho nên người dân lao động vùng Cầu Muối đã tôn kính
Cậu Hai Miên ngay trong ngôi đình của làng mình đang sinh sống.
Họ tin tâm linh rằng Cậu Hai “sống khôn, thác thiêng”, phù hộ cho nhân
dân lao động trong vùng bớt được cuộc sống quá nhọc nhằn…
Theo HỒ TƯỜNG (tuoitre.vn)
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire