Cho những ai nhớ lại kỷ niệm xưa khi thành phố còn mang tên Saigon.
Caroline Thanh Hương
ĐÒ CŨ NHÀ XƯA
N
hững năm 1967 - 1970, chiều ý má, tôi thi vào Đại học
Sư phạm Sài Gòn. Bốn năm trời, từ xứ Cần Thơ “gạo
trắng nước trong” tôi khăn gói lên Sài Gòn đi học; ở
nhà một ông cậu họ, được mợ lo cơm nước, lại thêm
thằng em cô cậu ruột cũng lên học Kỹ thuật Phú Thọ
ở cùng, làm tài xế đưa đi học nên tôi sống rất dễ
chịu, chẳng hề có cảm giác xa nhà, lại rất thích vì
ít bị “quản thúc” nữa.Nhà cậu mợ tôi ở đường
Phạm Thế Hiển, thuộc quận 8 nhưng rất gần phía chợ
Xóm Củi, bến Nguyễn Duy. Từ Chợ Lớn vào, đi ngang qua
xóm Củi rồi rẽ xuống con đường dưới dạ cầu Nhị
Thiên Đường, vừa qua khỏi cua quẹo một đỗi là đã
đến nhà. Cậu mợ tôi trước cũng sống một thời gian
ở con hẻm bên xóm Củi, sau khấm khá nên mua được căn
nhà mặt tiền này. Nhà rộng, thoáng mát, thích nhất là
bọn tôi được “ngự trị” cả một căn gác tầng
trên, tha hồ tung hoành. Bọn tôi ở đây là tôi, thằng
em cô cậu và một cô em gái con cậu mợ tôi. Cả ba đứa
cùng một tuổi, chơi với nhau từ ngày nhỏ nên giờ gặp
lại, ở cùng nhà, thôi thì... khỏi nói cũng biết.
Bây
giờ, sau biết bao sóng gió, chìm nổi của cuộc đời,
nhớ lại những ngày nơi đó, tôi mới cảm nhận được
mình thật hạnh phúc khi cả một thời thanh xuân trôi qua
êm đềm và nồng ấm như thế dưới mái nhà ấy, trên
căn gác kia. Làm sao đếm hết những buổi sáng vàng mơ,
những buổi chiều tím ngát, từng ly cà phê thơm lừng
uống vội trước giờ đi học, từng buổi tối lang thang
trong con hẻm xa hút gần nhà cho đến khi mệt nhoài, bước
vào chiếc quán quen húp xì xụp tô cháo trắng ngon lành...
Và
không thể quên là những con đò dưới bến sông, một
nét quê nhà mà tôi bắt gặp nơi thành phố Sài Gòn nhộn
nhịp ngựa xe này. Căn nhà cậu tôi ngó ra cầu Hiệp An,
cây cầu ngắn có cái điếm canh đằng kia. Mỗi khi thằng
em không chở được, tôi phải lên cầu đón xe lam đi ra
cầu Chữ Y về bến Nguyễn Biểu để đến trường. Chỉ
cần bước xuống con đường đất nhỏ nằm khuất sau
mấy cây me lớn, sẽ thấy một bến đò với một hai con
đò nhỏ cắm sào đợi khách, chỉ hai ba khách thôi, cô
gái nhỏ sẽ quẫy mái chèo cho đò tách bến. Một hai tay
chèo nữa đò sẽ cặp bến bên kia, bến Nguyễn Duy, bước
lên là chợ Xóm Củi ồn ào, náo nhiệt. Tôi rất thích
xuống con đò này sang chợ, dù có khi chẳng phải mua sắm
gì, chỉ là để hưởng cái cảm giác từ êm ả bên này
đến xô bồ bên kia, thật nhanh, vậy thôi.
Những
buổi sáng nghỉ học tôi hay qua chợ như vậy. Ngược
lại, có chiều tan học, tôi đi xe về cầu Chà Và để
xuống bến Nguyễn Duy, xuống đò về nhà. Buổi chiều
trên dòng sông nhỏ mới đẹp làm sao, mà cũng bâng khuâng
man mác làm sao!
Nắng
quái chiều hôm đỏ rực, con đò trôi êm, không khí của
một ngày náo động chùng xuống, lòng người mênh mang
sầu nhớ một điều gì chính mình cũng không biết... Cứ
thế, cho đến lúc bước lên con đường đất nhỏ, hai
bên đường mấy cụm hoa mắc cỡ đã xếp lá, mấy cây
me cổ thụ cũng rũ cành thiêm thiếp giấc nồng và trên
đầu cầu đằng kia, chú lính canh vẫn ngồi im như pho
tượng trong cái chòi nhỏ... Tất cả những cảnh tượng
ấy, những hình ảnh ấy sao mà như mới hôm qua tôi còn
nhìn thấy, còn thân thiết xiết bao.
Cả
ban đêm nữa, trong tôi vẫn còn một nỗi nhớ đau đáu
cái bến đò nhỏ nhoi hiu hắt chốn thành đô sầm uất
kia. Những đêm sáng trăng, tôi thường ra trước bancông
căn gác nhỏ nhìn xuống dưới. Con đường vàng úa ánh
đèn, những cặp tình nhân đi chơi khuya đèo nhau chạy vù
qua rồi không gian lại trở về tĩnh lặng. Khu Phạm Thế
Hiển những năm tôi sống vẫn còn hẻo lánh, dân cư còn
thưa thớt, dài theo đường mỗi sáng tôi đi học sương
mù vẫn phủ đầy trên các ruộng rau muống xanh um...
Vì
vậy tối tối cứ mười giờ trở đi là đường vắng
dần, đứng trên gác cao vẫn nghe tiếng lộp cộp của đò
cặp bến, tiếng nói chuyện của khách đi chợ vừa về
trên con đường nhỏ dưới bến sông. Tôi thường đứng
lặng im trong bóng tối thật lâu, nhìn xuống mặt cầu
Hiệp An trước mặt, tai lắng nghe tiếng đò từng chiếc,
từng chiếc ghé vào bến mà nhớ nhà, nhớ người yêu
đang xa xôi diệu vợi.
Thế
mà bây giờ, sau hơn 40 năm, tôi lại đứng đây nhớ về
nơi ở cũ như chính quê nhà mình năm xưa. Mấy năm nay có
dịp lên thành phố, thỉnh thoảng tôi cũng đi qua đường
Phạm Thế Hiển. Tên đường vẫn còn đó mà mọi thứ
đã khác lắm, khác đến nỗi tôi không nhìn ra căn nhà
tôi đã ở nữa. Cậu mợ tôi cũng về quê rồi gia đình
tan tác cả sau khi cậu tôi mất.
Đứa
con gái lớn của cậu, bạn thân thiết một thời của
tôi, đến giờ vẫn còn vất vả chuyện áo cơm, đôi lúc
gặp nhau ôn chuyện cũ, vừa cười vừa khóc. Những ruộng
rau muống đã thành nhà lầu, biệt thự... Quán cà phê,
quán cháo quen chẳng một người năm cũ để hỏi thăm...
Tôi
đành đi qua con đường xưa như người xa lạ, nhà cũ
chẳng còn, bến đò dưới con đường đất nhỏ cũng
biệt tăm dấu tích. Con đường mở rộng ra, cái điếm
canh nhỏ cũng không còn, xóm Củi bên kia sông tôi cố tìm
vào đã là một khu phố hoàn toàn lạ lẫm, những bà con
gốc Hoa năm xưa chẳng biết đi lập nghiệp, làm ăn ở
nơi nào.
Tôi
biết, thành phố Sài Gòn với lá me bay đầy trời những
sáng nắng chiều mưa của tôi một thời tuổi trẻ vẫn
còn đó; nhưng giống một cô gái, từng bước trưởng
thành, già dặn, lớn khôn, thành phố xưa đã chuyển
mình, đổi nhịp đê tiến nhanh hơn, mạnh hơn trong lòng
đất nước thống nhất và phát triển từng ngày từng
giờ hôm nay. Nhưng sao trong tôi vẫn mênh mang nỗi nhớ.
Nhớ
căn nhà tôi đã sống, con đường đất nhỏ nằm khuất
dưới mấy gốc me bên kia đường và nhớ những con đò
đã một thời cho tôi cảm giác ấm áp của kẻ xa nhà
tìm gặp một chút bóng hình quê. Và vì thế, một góc
nhỏ của Sài Gòn xưa ấy sẽ mãi mãi lấp lánh trong tôi
một thời áo trắng.
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire