Translate

Libellés

découvert (110) thơ; văn; nhạc; ảnh chụp; Caroline Thanh Hương (68) photographie (59) ký ức Việt Nam (44) santé (36) nghe đọc truyện hay (35) touriste (35) science naturelle (29) événement (28) nhạc Việt (27) nhạc Phạm Đức Nghĩa (20) art culinaire (19) philosophie (15) psychologie (15) văn chương (14) xã hội (12) nhạc không lời (11) science (11) ảnh Hương Kiều Loan (10) science économique (9) đọc và nghe đọc truỵên hay (9) xã hội Mỹ (8) aventure (6) news (6) société (6) thơ Đỗ Quý Bái (6) économie kinh tế (5) lịch sử (5) show Caroline Thanh Hương (5) sử Việt Nam (5) art (4) du lịch (4) littérature vietnamienne (4) Education (3) littérature (3) thơ Trần trọng Thiện (3) Canada (2) Les Contes vietnamiens truyện cổ tích việt nam (2) cách làm thơ hay và đúng (2) histoire secrète (2) l'histoire de France (2) mythe (2) technologie (2) thơ Huy Văn (2) thơ Hư Hao (2) tùy bút Caroline Thanh Hương (2) văn (2) Cần Thơ (1) David Oïstrakh (1) Dì Bùi Lệ Khanh (1) Economie (1) Montréal (1) Petrus Ky (1) Phan Thuận Breton (1) Québec (1) Stephen Hawking (1) Thơ văn Nguyễn Kiề (1) Trung Tâm Giáo Dục Hồng Bàng (1) Tạp Chí Dân Văn (1) Văn Xuân Vũ (1) astuce (1) bình luận Thuỵ Khê (1) ca sĩ Phi Nhung (1) ca sĩ Phạm Khải Tuấn (1) chân dung France Gall (1) fashion Jean-Paul Gaultier (1) fashion áo dài Việt Nam (1) học tiếng anh (1) informatique (1) ingénierie (1) nhạc Ngô Hồng Quang (1) nhạc Phạm Mỹ Lộc (1) nhạc ngoại quốc (1) nhạc ngoại quốc Steve Earle (1) photographie Vu Cong Hien (1) sport (1) thơ Chẩm Tá Nhân (1) thơ Lê Quang Chiểu (1) thơ Nhất Hùng (1) thơ Thanh Thanh. (1) thơ Trần Văn Lương (1) truyện ngắn; thơ Trần Văn Lương (1) văn Huy Phương (1) văn Thế Lữ (1) văn Tràm Cà Mau (1) văn chương văn nghệ Đoàn Thế Ngữ (1) văn câu đối (1) văn Đoàn Xuân Thu (1) xem phim hay tiếng ngoại quốc (1) Đại Học Văn Khoa (1)

vendredi 13 mars 2015

Chương trình văn học với Phạm Trọng Chánh và câu chuyện về Mối Tình Nguyễn Kiều (1795-1751) Và Đoàn Thị Điểm (1705-1748)

Kính gửi quý anh chị câu chuyện văn học với

1



Mối Tình Nguyễn Kiều (1795-1751) Và Đoàn Thị Điểm (1705-1748)


Nguyẽn Kiều hiệu Hạo Hiên, người làng Phú Xá, huyện Từ Liêm nay thuộc Hà Nội, là chồng bà Đoàn Thị Điểm. Năm 18 tuổi, đi thi lần đầu, liền đậu Giải nguyên kỳ thi Hương. Năm 21 tuổi, ông đỗ Tiến sĩ khoa Ất Mùi niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 11, triều Lê Dụ Tông (1715).
Năm 1717 làm Đốc đồng trấn Tuyên Quang.
Năm 1734 làm chức Đốc thị trấn Nghệ An, rồi thăng chức Thừa tuyên trấn ấy năm 1736
Năm 1743, ông được cử làm Chánh sứ đi sang nhà Thanh, Trung Quốc. Nguyễn Tông Khuê và Đặng Mậu làm Phó sứ. Sứ bộ khởi hành cuối năm Nhâm Tuất (đấu 1743). Đầu năm 1744 tới Yên Kinh (Bắc Kinh). Tháng hai năm Ất Sửu (1745) về đến Nam Ninh tại Quảng Tây. Nhưng Lạng Sơn có loạn, nên sứ bộ phải đợi lâu mới về đến Thăng Long. Cuộc đi sứ lâu nhất trong lịch sử đến 3 năm.

Trước khi đi sứ một tháng. Nguyễn Kiều hai lần góa vợ đã cưới Đoàn Thị Điểm. Người vợ cả là con quan Thượng Thư Lê Anh Tuấn người làng Thanh Mai, Thượng Mai và cũng là cha nuôi Đoàn Thị Điểm từ năm 16 tuổi. Người vợ thứ hai là con quan đại thần Nguyễn Quí Đức, người làng Tây Mỗ, Thượng Mỗ. Gs Hoàng Xuân Hãn, Chinh Phụ Ngâm bị khảo. Minh Tân Paris 1953 tr 34, trích dẫn sách Đoàn Thị Thực Lục:
«Một hôm, cô (Đoàn Thị Điểm) đang giảng bài. Học trò ngồi nghe có hơn năm chục. Thình lình gió thoảng rèm tre. Nhìn ra, thấy một người từ ngoài tiến vào, theo sau có vài ba đầy tớ, mang một cái quả sơn son, thiếp vàng. Trong quả có một phong thư dán kín. Cô mở thư xem, thì đó là thư của quan Thị lang người làng Phú Xá, tên là Nguyễn Kiều, gửi tới cầu hôn.
«Đọc thư xong, cô than rằng: “Khi trẻ ta mong đợi kẻ tới cầu hôn. Trải qua đã hơn hai mươi năm rồi. Chung qui, ta không còn quan tâm đến việc ấy nữa. Ta từng tự bảo rằng: hạng giai nhân tài tử từ xưa vẫn hiếm; chi bằng ta rửa sạch lòng trần, an nhàn nuôi lấy khí tượng thanh bình. Vì vậy, ta đã thôi nghĩ đến việc vợ chồng từ lâu. Người này là ai, mà đem đến việc hôn nhân làm ta phiền não?»
Nghĩ vậy rồi cô từ chối. Nhưng Nguyễn Kiều quyết tâm cầu cho được. Ông là một tay văn hào, đậu Tiến sĩ sớm, nổi tiếng hay chữ đương thời. Đã từng được các vị đại thần Lê Anh Tuấn và Nguyễn Quí Đức đều gả con gái cho ông. Nhưng bây giờ ông đang góa vợ. Với lòng tự kiêu, ông cố kết duyên cho được với tài nữ kia. Huống chi, vừa được triều đình cử đi Chánh sứ nước Thanh, ông cần có nội trợ chăm sóc gia đình, trong khi mình vắng mặt. Vì những lẽ ấy, ông cố nài cầu hôn.
Hơn mười ngày sau, quan Thị lang lại sai cháu diệt (con anh, chị hay em mình) mang thư tới. Trong thư nói rằng: «Tôi rất bận việc quan. Vó ngựa hoàng hoa (đi sứ) đã gần ngày phải lên đường. Việc nhà, không có ai coi sóc và cai quản. Tôi nghĩ rằng Phu nhân cùng nội trợ tôi khi trước có tình chị em, có phận keo sơn (vợ cả Nguyễn Kiều, con Thượng Thư Lê Anh Tuấn, cha nuôi Đoàn Thị Điểm, hai người là chị em). Nếu Phu nhân bằng lòng đùm bọc cho nội trợ tôi, thì thật là may mắn cho cả nhà đó ! “
«Lời thơ rất khẩn thiết, tình tả rất thê lương. Cô nghe, có phần thương xót. Nhưng nhà giảng thanh sảng, cửa Phật êm đềm. Cô ghét sự phiền, cho nên còn ngần ngại. Học trò, ai ai cũng bàn, tán thành cuộc hôn nhân và khuyên bà mẹ nhận lời. Bất đắc dĩ cô mới nhận.»
Đoàn Thị Điểm năm ấy 37 tuổi. Vì cảnh gia đình, cha anh mất sớm, phải đảm đương nuôi mẹ già, hai cháu con anh Đoàn Trác Luân, chị dâu tàn tật chưa gặp kẻ xứng đáng nên chưa nhận lời một ai. Bây giờ gặp Nguyễn Kiều, là bậc tài hoa có tiếng. Tuổi mới 47, góa vợ, chức Thị Lang (tương đương Thứ Trưởng ngày nay) lại được vinh dự đi Chánh Sứ sang nhà Thanh. Chốc lát từ là một bà đồ dạy trẻ đã lên địa vị bà Nghè, bà Thị, bà Sứ mà lại vừa có bạn văn chương, lại chổ chị em, anh rể thân thiết. Tuy có ngần ngại lúc ban đầu, cô chắc đã vui lòng ưng thuận.
Năm ấy là cuối năm Nhâm Tuất (đầu năm 1743) Đoàn Thị Điểm về nhà Nguyễn Kiều ở Thăng Long, hoặc ở quê ông là làng Phú Xá, bên kia Hồ Tây. Phận bà dâu đã biết trước, là phải lìa chồng sau khi sum hợp. Cưới vợ chưa đầy một tháng. Nguyễn Kiều phải lên đường đi sứ phương Bắc. Bà ở nhà coi sóc gia trang, xem con chồng như con đẻ, dạy dỗ thay làm cha, làm thầy. Nào ngờ cuộc đi sứ kéo dài đến ba năm. Nguyễn Kiều về đến Nam Ninh nhưng không qua biên giới được vì Lạng Sơn có loạn phải chờ đợi dẹp xong loạn mới về.
Tôi dịch năm bài thơ Nguyễn Kiều trên đường đi sứ để thấy tài thi ca của Nguyễn Kiều, một nhà khoa bảng đỗ đạt sớm, đỗ Tiến sĩ năm 21 tuổi, tài năng còn đứng trên cả Nguyễn Tông Khuê (Phó Sứ), một người được thi nhân Trung Quốc, Triều Tiên sánh với Lý Bạch; Phạm Đình Hổ xem là bậc thầy thi ca, và nhất là lọt vào mắt xanh một nữ sĩ tài ba nhất văn chương Việt Nam: Đoàn Thị Điểm, nhiều bài thơ đi sứ đã nói lên nỗi lòng, mối tình mới sum họp đã chia xa.
Bài thơ Sơn hành ngẫu tác, Nguyễn Kiều làm trên đường từ Giang Hóa (Bắc Thái) đến Lạng Sơn, đoạn đường này toàn rừng núi, gập ghềnh, phải đi mất 5 ngày, nửa tuần, tuần ngày xưa là 10 ngày. Đoạn đường khi đi qua đất trống, khi xuyên qua rừng rậm, thôn xóm hẻo lánh. Có lúc lính hộ vệ phải tiến lên vạch cỏ mở đường, vì đường ít người đi nên cỏ mau mọc che khuất. Nơi xe sứ dừng lại nghỉ đêm, quan trấn huyện đã làm sẵn nhà tranh cho sứ đoàn và lính hộ vệ. Trên đường đi tiếng trống đánh hàng trăm dậm vang lên beo núi, thú dữ phải lánh xa. Khi qua suối hàng ngàn người lội qua, suối không còn thấy bóng cá. Qua chổ hiểm phải nối 6 dây cương ngựa mới vượt qua được. Đi đến thành Lạng Sơn sứ đoàn chờ thư của quan trấn ải Trung Quốc, đợi ngày lành tháng tốt mới cho đi qua ải Nam Quan.
ĐI ĐƯỜNG NÚI CẢM HỨNG
Gập ghềnh đường núi nửa tuần qua,
Đất trống, rừng dày, thôn xóm xa.
Lính vệ tiến lên đường vạch cỏ,
Xe sứ dừng tranh cỏ lợp nhà.
Trống giong trăm dặm beo rời núi,
Suối lội ngàn người cá hết ra.
Qua hiểm sáu dây cương nối ngựa,
Lạng thành chờ đợi Bắc thư qua.
Nhất Uyên dịch thơ
Nguyên tác phiên âm Hán Việt:
SƠN HÀNH NGẪU TÁC
Kỳ khu sơn lộ bán tuần dư,
Địa khoáng lâm tùng tịch hạng cư.
Hộ tốt tiến thời phi thảo kính,
Thiều xa trú xứ kết mao lư.
Cổ hành bách lý sơn vô báo.
Thủy thiệp thiên nhân giản một ngư.
Lịch hiểm tạm thư nhân lục bí,
Lạng thành trữ đãi Bắc lai thư.
Bài thơ Nam Quan vãn độ, buổi chiều qua ải Nam Quan. Năm thanh bình, xe ngựa sứ qua biên giới. Cây múa, chim ca đón mừng cờ sứ. Đất Bắc thong thả rong ngựa trên đường non hiểm trở. Trông về trời Nam mây núi cao vời. Đến trước các thôn nơi sứ đi qua, dân áo vải đón chào đoàn xe sứ. Ngoài rèm ánh nắng chiều chiếu rọi áo bào (quan Chánh sứ). Trên các sườn đèo đồn canh lính canh phòng nghiêm ngặt (đề phòng thảo khấu đánh cướp đồ phẩm vật đi cống). Những phướng lụa màu treo nơi cửa ải theo gió bay phấp phới.
CHIỀU QUA NAM QUAN
Năm thanh bình sứ vượt biên cương,
Cây múa chim ca cờ rợp đường.
Đất Bắc ngựa rong non hiểm bước,
Trời Nam mây thẳm núi cao thương.
Trước thôn áo vải chào xe sứ,
Rèm vén bào soi ánh nắng vương.
Đèo núi đồn canh nghiêm lính thú,
Sắc màu phướng lụa gió tung lên.
Nhất Uyên dịch thơ.
Bài thơ Thượng Cương dạ túc, Nghỉ đêm ở Thượng Cương. Cây biếc làm màn, núi xanh làm tường vách. Bên gốc cây phong (cây bàng), tiếng đàn thông hoà nhịp cùng tiếng suối. Bếp chiều sáng rực, chim nghỉ cành cây. Kẻng đêm vang khắp, phượng đậu sườn núi. Tất lòng sắt đá xông pha nơi lam chướng. Ngàn dậm cờ sứ coi thường mọi tuyết sương. Thức dậy giục sửa soạn hành lý kịp sáng lên đường. Vầng hồng đã sớm tỏa rạng ở phương Đông.
NGHỈ ĐÊM Ở THƯỢNG CƯƠNG
Cây thắm làm màn núi biếc tường,
Gốc phong suối hát tiếng đàn thông.
Bếp chiều sáng rực, chim cành ngủ,
Kẻng tối vang xa, phượng đậu non.
Tất lòng sắt đá xông lam chướng,
Ngàn dậm cờ xe ngạo tuyết sương.
Thức dậy soạn hành trang kịp sáng,
Phương Đông hồng tỏa sáng vầng dương.
Nhất Uyên dịch thơ
Nguyên tác phiên âm Hán Việt:
THƯỢNG CƯƠNG DẠ TÚC
Liêm duy thúy ái bích thanh thương,
Phong bạn tùng cầm hợp giản hoàng.
Một táo liệu quang cầm túc thụ,
Dạ điêu hưởng triệt phương thê cương.
Thốn hoài thiết thạch lãng yên chướng,
Thiên lý tình mao ngạo tuyết sương.
Thụy khởi thôi trang thần tiến phát,
Hồng luân tảo dĩ húc đông phương.
Bài thơ Chu trình dạ vũ, Đi thuyền trong đêm mưa. Bài thơ này có hai câu tuyệt tác: Mưa nhỏ nát tình quê muôn dậm. Khua tàn mộng khách lúc trăng đêm, thật là tuyệt. Nó nói lên tâm sự quan Chánh Sứ Nguyễn Kiều nhớ tha thiết người vợ mới cưới nữ sĩ Đoàn Thị Điểm. Tiếng mưa rơi thánh thoát từng giọt làm tan nát, lòng người đi sứ muôn dậm phương xa. Nhìn bóng trăng đêm canh ba, lúc có ba sao giữa trời (Tam tinh, phiên âm Sam sung tiếng Hàn) giờ vợ chồng tình tự nhau, trăng dường như đang chiếu sáng hình bóng người yêu nơi muôn dậm xa, ôi thôi đó chỉ là giấc mơ, khi khách tỉnh giấc. Sông đêm vẫn yên tỉnh sóng biếc êm đềm. Mưa rơi rào rào trên mui thuyền lúc nặng lúc nhẹ. Hơi rét như thấm vào tiếng tù và vang lên trước lầu canh. Khí lạnh như mang theo tiếng suối chảy rào rào bên gối. Đên rạng sáng thức dậy xem bờ liễu rủ. Vẻ núi như vừa được tắm gội, cây xanh như ngọc. Đây là một bài thơ tuyệt bút của Nguyễn Kiều.
ĐI THUYỀN TRONG ĐÊM MƯA
Sông đêm yên sóng biếc êm đềm,
Mưa nặng nhẹ rơi, dào dạt thuyền.
Mưa nhỏ nát tình quê muôn dậm,
Khua tàn mộng khách lúc trăng đêm.
Tiếng tù rét thấm vang lầu vọng,
Khí lạnh suối tuôn tràn gối chăn.
Đêm rạng dậy xem bờ liễu rũ,
Núi xanh, cây ngọc tắm mưa lành.
Nhất Uyên dịch thơ
Nguyên tác phiên âm Hán Việt:
CHU TRÌNH DẠ VŨ
Giang xuyên dạ tĩnh thúy ba bình.
Tích lịch bồng gian trọng hựu khinh.
Trích toái hương tâm thiên vạn lý,
Xao tàn lữ mộng nguyệt tam canh.
Hàn sâm thú giác lâu tiền hưởng,
Lãnh đái phi tuyền chẩm bạn thanh.
Dạ hiểu khởi khan thùy liễu xứ,
Sơn dung như mộc thụ như quỳnh.
Bài thơ Giang Châu lữ thứ, Nghỉ trọ ở Giang Châu. Đời nhà Thanh gồm địa phận tỉnh Giang Tây, huyện Vũ Xương và cùng một số huyện khác nay là tỉnh Hồ Bắc. Sông Ngô mênh mang, nước liền trời. Dừng thuyền lại thảnh thơi ngắm những con thuyền khác xuôi dòng. Ve chiều kêu sầu không ai hiểu được nông nỗi ấy. Én tối bay về ngủ ở tổ nơi đâu? Lác đác thôn xóm lẻ loi dưới vòm cây xanh. Thấp thoáng non xa bên làn mây trắng. Cảnh quan hà, mừng đã vào tiệc thăm hỏi lễ nghi, phong tục tiếp đón các quan Trung Quốc. Tư đạc là cuộc thăm hỏi, lấy chữ trong thiên Hoàng hoàng giả hoa Kinh Thi, ý nói người đi sứ có nhiệm vụ thăm hỏi lễ nghi phong tục nước ngoài. Ai kia đi làm việc mà lại than là độc hiền, riêng mình vất vả. Thong thơ Bắc Sơn Kinh Thi, ghi lời các quan đi làm việc vua than rằng: Đại phu bất quân, ngã tòng sử độc hiền. Vì đại phu không công bằng nên tôi đây làm lụng rất khó nhọc. Chu Tử chú giải rằng: Nhà thơ là người trung hậu, tuy oán trách mà không dám nói thẳng là vua mà chỉ nói đại phu, không dám nói độc lao (riêng mình khó nhọc) mà chỉ nói độc hiền (riêng mình hiền, nên được vua giao nhiều trọng trách).
NGHỈ TRỌ GIANG CHÂU
Sông Ngô bàng bạc nước liền trời,
Thuyền nghỉ thảnh thơi ngắm cảnh trôi.
Ve tối kêu sầu ai hiểu nỗi.
Én chiều bay đến nghỉ đâu nơi.
Lác đác cô thôn chòm lá biếc,
Thấp thoáng non xa mây trắng trôi.
Quan hà nhập tiệc mừng thăm hỏi,
Ai nỡ việc vua than cái tôi.
Nhất Uyên dịch thơ.
Nguyên tác phiên âm Hán Việt:
GIANG CHÂU LỮ THỨ
Hạo diểu Ngô giang thủy tiếp thiên,
Nghỉ thuyền nhàn vọng phiếm lưu thuyền.
Vãn thiền sầu tháo vô nhân giải,
Mộ yến qui phi hà xứ miên.
Thác lạc cô thôn thanh thụ hạ,
Y hi viễn tụ bạch vân biên.
Quan hà hỉ nhập ngô tư đạc,
Tòng sự hà nhân thán độc hiền.
Trong cảnh quạnh hiu sau ngày tân hôn, chồng phải đi sứ xa vạn dậm. Đoàn thị Điểm đã đem Chinh Phụ Ngâm khúc của Đặng Trần Côn phổ thành thơ song thất lục bát. Đó là áng văn được nhiều người diễn thành Nôm nhất trong thi ca Việt Nam. Bản diễn ca Đoàn thị Điểm là bản đầu tiên Bản B, ngoài ra có các bản của Nguyễn Khản, ngày nay đã tìm lại được lả bản F thay vì bản C trong sách Chinh Phụ Ngâm Bị Khảo của GS Hoàng Xuân Hãn. Bản E của Bạch Liên Am Nguyễn. Bản A của Phan Huy Ích. Và các bản C, D, G tác giả vô danh, chưa biết tên..
Nếu bản của Phan Huy Ích tình ý thiết tha, hình ảnh rực rỡ, từ điệu gọn gàng, nhịp nhàng bóng bẩy; Phan Huy Ích dùng lối phỏng dịch, đã bỏ bớt ý, nhiều lần đã bỏ cả vế, lại thêm ý mình mà soạn thành khúc ngâm. Hơn nữa bản Phan Huy Ích là bản dịch cuối cùng, nên gần gủi với chúng ta hơn. Phan Huy Ích được xưng tụng là một trong An Nam Ngũ tuyệt, năm nhà thơ hay nhất nước Nam gồm Nguyễn Du, Nguyễn Huy Tự, Phan Huy Ích, Ngô Thời Vị và Nguyễn Hành. Phan Huy Ích viết vào cuối đời trong triều Nguyễn, lúc ông chỉ chuyên dạy học, sau khi trải qua trận đòn tại Văn Miếu năm 1803 cùng Ngô Thời Nhậm, Nguyễn Lê Phan…
Bản dịch Đoàn Thị Điểm là bản áp dịch, dịch đúng nguyên tác. Bản cổ hơn bản Phan Huy Ích 60 năm, nhiều chữ cổ ngày nay không còn, cho nên ta đọc thấy khó hiểu hơn. Sau cuộc chiến chấm dứt nhà Lê – Trịnh của Quang Trung và sau đó cuộc thống nhất của vua Gia Long, chữ Nôm miền Nam đã ảnh hưởng ra Bắc làm biến mất rất nhiều chữ vùng Lê – Trịnh. Năm 1978 bà Nguyễn Kim Hưng, phu nhân Giáo sư Nguyễn Huệ Chi có tìm ra trong thư viện Hán Nôm: Hồng Hà phu Nhân di văn, di cảo Đoàn thị Điểm do người cháu rể sưu tập và có công bố vài bài trên Tạp chí Văn Học. Trong số thơ có vài chục bài thơ trào phúng, bà Nguyễn Kim Hưng chỉ mới công bố bài Đùa tặng người béo, và hai bài thơ chữ Hán, đúng như Tốn Phong viết trong tựa Lưu Hương Ký của Hồ Xuân Hương: giọng văn Hồng Hà phu nhân thiên về đùa bỡn. Giáo sư Trần Thị Băng Thanh có tiếp xúc với văn bản này và cho tôi biết hiện nay vẫn chưa đọc ra hết các chữ khó. Đáng tiếc Giáo sư Hoàng Xuân Hãn không thấy được văn bản này trước khi mất, có lẽ Giáo sư sẽ đọc được hết, đỡ mất công cho chúng ta ngày nay.
Bản dịch Chinh Phụ ngâm của Đoàn Thị Điểm dùng rất nhiều chữ nhé, chữ nhẹ nhàng phụ nữ thường dùng, không thấy trong thơ văn của nam nhi: Kìa thăm thẳm nhé Thương Thiên(câu 3). Dâu mấy hàng có hay chăng nhé (73) Trên trướng gấm có hay chăng nhé (93). Lần trải trong khắc giờ kíp nhé ! (109) Nọ trông mòng thấy gì chăng nhé? (347).
Đoàn Thị Điểm dùng chữ Hoàng hoa, Hoàng hoa là người đi sứ để thay cho chàng chinh phu đi ra trận: Hoàng hoa muôn dậm thật là xót xa (180) Thú Hoàng hoa gia thân đều có (181).
Nhiều đoạn Chinh Phụ ngâm nói lên tâm sự Đoàn Thị Điểm trong ba năm đợi chờ chồng:
Chàng đi ngoài cõi mịt mòng,                    63
Thiếp về chốn cũ loan phòng ủ ê.
Nẻo ở, đi mặt cùng trông đoái,               65
Đóa mây xanh cùng trái non thương.
Chàng thì thiếp đoái Hàm Dương,
Thiếp thì dõi dõi Tiêu Tương đoái chàng.
Bến Tiêu Tương mấy hàng khói tỏa,
Cây Hàm Dương bóng lá ngất đầu.       70
Trông nhau mà chẳng thấy nhau,
Xanh xanh những thấy bóng dâu trên đường.
Dâu mấy hàng có hay chăng nhé,
Lòng đấy đây ai kẻ vắn dài?                   74
Năm 1745, Chánh sứ Nguyễn Kiều dẫn phái bộ về nước. Được triều đình đón rước linh đình, lại được thăng quan tiến chức, và về nhà nghỉ ngơi. Đoàn Thị Điểm chắc đã đưa bản dịch Chinh Phụ Ngâm cho chồng xem:
Vì chàng, tóc mướt chải thưa,                      477
Vì chàng, phấn ngọc sớm trưa điểm giồi.
Lấy chàng coi khăn xưa quẹn tủi,
Bức cựu tình dở dói Chàng nghe  480
Cựu từ sánh với tân đề,
Dộng bề mới cũ, giải bề tỉnh say,
Chén bớt đầy lại chăm vặp vặp.
Thấp liền cao, nổi chập ca oanh.
Rượu, dừng chuốc rượu Bồ Thành.          485
Ca, trong Tử lựu thì kềnh mấy thiên.
Hát song liên cùng châm cửu uẩn,
Lại cùng chàng kể phận duyên xưa.
Đến ngày già, kết bối tơ,
Công danh bõ thuở sinh sơ trót rồi.          490
Cùng dang tay ở đời bình thái,
Đời thái bình xin hãy chỉ qua.
Ví dù hẳn vậy thay là,
Ấy trong li biệt thiếp hoà gượng tươi.
Mong gửi lời, thuở nào hầu thấy:
“Than ! trượng phu dường ấy hợp nên !”
Bản Đoàn Thị Điểm rất nhiều chữ cổ, có thể dùng nó để thiết lập một tự điển chữ Nôm thời Lê – Trịnh dùng để đọc các văn bản văn nôm cổ.
Ba năm đi sứ Nguyễn Kiều, đi đâu ông cũng đề vịnh và chép lại thi ca thành Hạo Hiên thi tập. Đoàn Thị Điểm đọc và biết rõ từng nơi chồng đã đi qua.
Tính Nguyễn Kiều tự phụ. Đậu Tiến sĩ năm 21 tuổi, tự xem mình là kẻ tài hoa hơn tất cả mọi người. Nhưng Đoàn Thị Điểm còn tự cao hơn ông:
“Muốn tìm cách làm chông giác ngộ, để bớt lòng kiêu. Bà bèn bảo các học trò bà đi chép đầu bài ra các trường thi có tiếng đem về. Hai vợ chồng đều làm,mỗi người một bài. Đến lúc đem phê bình, thì tuy bài chồng thua, mà ông vẫn cãi gượng.
“Bà tự than rằng: “Ta thường nghĩ rằng những kẻ khoa cao, đậu sớm, chắc có tài đức hơn người. Không ngờ họ chỉ đeo đuổi học cử nghiệp, chỉ nhờ câu văn chải chuốt mà nổi danh. Trong một ngày, nếu có đọc một nghìn câu như vậy, thì cũng có ăn thua gì đến nghĩa lý đâu ! Ông nầy không phải là không biết làm thơ, nhưng về đường kinh luân thì còn kém.
“Bà đợi cơ hội để ngầm khuyên chồng. Gặp lúc trường Quốc Tử Giám mở kỳ thi cho tất cả sĩ tử. Có các bậc văn nhân trứ danh chấm. Đầu bài ra là phú “Quốc gia như kim âu “ (Nhà nước vững như âu vàng). Hai vợ chồng đều làm mỗi người một bài. Bài của vợ lời khéo và đẹp, tứ chặt và đủ, thật hơn bài của chồng. Bấy giờ chồng mới tỉnh ngộ, biết mình không bằng vợ. Vợ chồng hòa hợp, hằngnngày cùng nhau làm thơ, bàn chuyện thiên văn lý số. Lời đoán của bà thường không sai.
Sách Đoàn Thị Thực lục còn chép lời đoán của bà về vận mệnh chồng.
“Mùa hè năm Mậu Thìn (1748), một ngày kia xong việc công, ông vào tư thất, nói chuyện cùng bà và phê bình thơ, tra điển văn cũ định xếp thành thi văn tập của đôi vợ chồng. Thình lình, rèm tung lên, gió cuốn, bụi bay. Bà ngồi lặng, ngẫm nghĩ, bấm đốt tay mà suy tính. Rồi bà bảo ông rằng:
“Bắc khuyết vân bình chiêu thiếp thụy,
Nam thùy xuân vũ trước quân ân.”
“Cửa Bắc xe mây điềm thiếp rõ,
Bờ Nam mưa ấm tỏ ơn vua.“
Ý bà muốn nói rằng luồng gió vừa qua là điềm bà sắp mất, và ông sắp được thăng chức và đồi vào miền Nam.
Ông hỏi vặn bà. Hỏi đi, hỏi lại, nhưng bà không giảng thêm gì nữa. Chưa qua dăm ba ngày sau, thì quả nhiên ông được mệnh vào coi việc trấn Nghệ An.
Ông bảo bà cùng đi. Bà lấy cớ bận việc nhà, xin ở lại; giả nói rằng xin sẽ đi sau. Nhưng ông cố nài. Bất đắc dĩ bà phải nghe. Sau khi từ giã mẹ già, bà cùng chồng xuống thuyền trẩy vào xứ Nghệ. Hai văn nhân tài tử, tuy đứng tuổi, nhưng cũng tân hôn, “cùng nhau xuống thuyền vượt hàng nghìn dậm. Khi đêm ngắm trăng tỏ, khi ngày trông núi nhấp nhô. Quán rượu, lầu trà dựng bên sông; gươm giáo, cờ quạt dàn trên bến. Khi sương thu lạnh, khi nắng thu nồng. Cảnh trí rất đẹp; tâm tình rất hòa. Thuyền qua đâu, vợ chồng cũng cùng nhau xướng họa.”
Thuyền xuông sông Nhị, rẽ lối Vân Sàng; ra cửa Thần Phù, vào sông Chính Đại. Một hôm thuyền đậu ở bến đền Sòng (ở núi Sùng Sơn, đền bà chúa Liễu Hạnh, vị thần có danh tiếng từ vùng Nam Định, Thanh Hóa. Đoàn Thị Điểm có viết truyện Vân Cát thần nữ kể chuyện vị thần này). Lúc ấy bà đang nghĩ đến mẹ. Bên đèn mở sách đọc, chưa nhắm mắt ngủ được.”
Dần dần đêm chầy gió mát, bà thiu thiu ngủ quên.
“Thoắt, nghe trên trời có tiếng chuông khánh đeo ở xe dần dần tới, mùi hương lạ sực nức trong thuyền. Bỗng thấy mình bước lên xe. Bà sực tỉnh dậy. Biết đó là điềm xấu, ứng vào câu thơ Bắc khuyết vân bình chiêu thiếp thụy  bà không vui.”
Chắc là đêm lạnh, bà ngủ quên không đắp chăn, nên cảm hàn. Bà liền đau. Cố gắng gượng ăn uống, nhưng bệnh tình càng ngày càng nặng.
Năm sáu ngày sau, thuyền đến trấn Nghệ An. Ấy vào ngày mồng 4 tháng 8. Bệnh đã nguy kịch. Chồng chạy thầy khắp nơi, cầu cúng hết đền chùa. Nhưng không công hiệu.
Ngày 11 tháng 9, bà mất. Trước lúc mất, bà tự dậy, ăn mặc chỉnh tề, dung quang như bình thường. Bà bảo thị tì mời chồng vào, dặn dò việc nhà và nói: “Chàng nên gắng gỏi việc nhà vua cho yên, để được về triều, kẻo phải ở lại lâu chỗ biên cảnh này đầy gió bụi.”
Nói xong thì mất. Bà thọ 44 tuổi.
Nguyễn Kiều thương xót vô cùng; làm lễ thành phục, rồi giữ quan tài một tháng ở trấn sở. Hàng ngày buổi sáng, buổi chiều cúng tế. Sau đó chọn ngày, sai đưa về táng ở quê. Ông bận việc quan, không theo về được: chỉ lập đàn trên bến, đọc bài văn tế. Gs Hoàng Xuân Hãn dịch như sau:
VĂN TẾ: NGUYỄN KIỀU TẾ ĐOÀN THỊ ĐIỂM
Ô hô ! Hỡi Nàng !
Huệ tốt, – Lan thơm.
Phong tư lộng lẫy, – Cử chỉ đoan trang.
Nữ đức trọn vẹn, – Tài học ngõ ngàng.
Giáo mác, ấy bàn luận; – Gấm vóc, ấy văn chương.
Nữ trung, rất hiếm có như Nàng !
Sao mà lại:
Gia thất chậm hơn Mạnh Quang.
Con cái hiếm hơn Trang Khương.
Dứt tuổi Từ Phi, – Vùi tài Ban Nương.
Sao hóa cơ khó đoán, – Mà thiên mệnh phi thường lắm thay !
Xưa được nghe tiếng Nàng, – Bèn kết thân hai họ.
Nàng về nhà tôi, – Vẹn toàn đạo vợ.
Việc bút nghiên tài lạ hằng chuyên; – Nghề kim chỉ tay sành chẳng bỏ.
Thường thường đàm luận cổ thi, – Ngày ngày xướng thơ họa phú.
Ba năm đi sứ Bắc, mày liễu buồn chau; – Năm ngựa trở về nhà, mặt hoa cười nở.
Lúc rảnh việc cùng vui thú văn hàn; – Mới có chỉ sai trở vào xứ Nghệ.
Non sông chẳng ngại đường dài, – Tần tảo quyết theo nội trợ.
Đường sông nghìn dậm gian nan, – Doanh liễu, ba tuần tới đó.
Một bệnh càng thêm, – Trăm phương khôn chữa.
Đào chưa quả, đã vội khô. – Quế đang thơm đã rũ !
Rừng sâu, bể rộng. Nàng hỡi đi đâu? – Ngọc nát châu chìm, lòng tôi quặn nhớ.
Những muốn:
Chèo thuyền lan mà sớm phát, – Đưa giá liễu để chóng về.
Hẹn lại quê nhà an táng, – Dốc đem ý hậu theo đi.
Nhưng:
Nghĩa cùng thời, trái; – Việc chẳng lòng, tùy.
Nửa bước khó rời trấn sở, – Một thân khó vẹn công tư.
Lối về trên bến, -Tạm dựng bàn thờ.
Lệ tiễn hai hàng chan chứa, – Tình thương một lễ đơn sơ.
Sóng gió xin đừng kinh sợ, – Đường đi chớ ngại rù rờ.
Hương hồn Nàng yên nghỉ, – Cổ ấp, tôi hằng mơ.
Thượng hưởng !
Chú thích:
Mạnh Quang: Người đời Hậu Hán, tánh nết đoan trang, tới ba chục tuổi mà còn kén chồng. Cha mẹ bà con ai có hỏi, thì Mạnh Quang trả lời rằng: Có được Lương Hồng thì mới lấy chồng, còn không ở vậy trọn đời. Lương Hồng cũng ở một huyện, nhà nghèo mà đức hạnh, nghe vậy mới tới xin cưới Mạnh Quang. Mạnh Quang chịu. Chừng về nhà chồng ăn mặc rực rỡ, vòng vàng, kiềng chuổi rất là sang trọng. Lương Hồng làm lễ bảy ngày mà chưa xong. Mạnh Quiang mới hỏi thì Lương Hồng trả lời: “Tôi sở nguyện lấy vợ áo vải quần gai, cùng nhau cực khổ làm ăn, nay tôi thấy nàng môi son, má phấn tôi không vừa lòng.” Mạnh Quang nghe vậy, vui lòng thay đồ vải, giắt trâm cây, theo chồng làm mướn, bưng chén ngang mày.
Trang Khương: Em vua Tề thới Đông Châu, sau gả cho Thang Công nước Vệ.
Từ Phi: Từ Huệ thứ phi, con gái Từ Hiếu Đức, thông minh, làm thơ văn hay, được vua Đường Thái Tôn, đòi vào cung phong làm Tài Nhân, sau chọn làm Thứ Phi.
Ban Nương: Ban Chiêu, tự Huệ Cơ, con gái Ban Bưu, em Ban Cố và Ban Siêu, người đất An Lăng đời Đông Hán, vợ Tào Thế Thúc. Được vua Hòa Đế triệu vào Đông Quan tàng Thư, soạn tiếp bộ Hán Thư của cha anh. Có trước tác tập Nữ Giới 7 thiên.
Bà Đoàn Thị Điểm mất năm 44 tuổi, nhưng trong Tang Thương Ngẫu Lục tr 105, Phạm Đình Hổ lại chép bà.” Năm 78 tuổi, bà con đi lại chốn kinh kỳ, mở trường dạy học trò”.. Có lẽ Phạm Đình Hổ lầm với con gái Tĩnh Nguyên Đoàn Trác Luân là Đoàn Lệnh Khương, chồng là Nguyễn Xuân Huy. Đốc Trấn Sơn Nam. Điều đó cho chúng ta nghi ngờ không phải điều gì Phạm Đình Hổ chép cũng đúng. Truyện Bích Câu Kỳ Ngộ trong Truyền Kỳ Tân Phả của Đoàn Thị Điểm, Phạm Đình Hổ lại chép là của Đặng Trần Côn? Ta nên tin ai của Đoàn Thị Điểm hay của Đặng Trần Côn?.
Bài văn tế tuyệt tác, nói lên tâm tình bi thương thống thiết của Tiến sĩ Nguyễn Kiều trước linh cửu vợ, một nữ sĩ tài ba nhất lịch sử văn học nước Nam. Nguyễn Tông Khuê thầy của Lê Quý Đôn đã tài giỏi, được các văn nhân, sứ thần Triều Tiên, Trung Quốc ca ngợi. Nguyễn Kiều lại tài giỏi hơn, được làm Chánh sứ, (Nguyễn Tông Khuê Phó sứ) ba lần được cử viết văn bia Văn Miếu Quốc Tử giám, nhưng trước vợ nữ sĩ Đoàn Thị Điểm, Nguyễn Kiều phải phục tài vợ. Di cảo Hồng Hà phu nhân di văn còn nhiều điều để khai thác, để nghiên cứu, còn nhiều bài thơ chữ Hán, thơ trào phúng, nhiều câu đối văn tế làm hộ cho dân làng, nhiều bài văn viết về đồng quê, bản dịch Chinh Phụ Ngâm. Nhưng đỉnh cao tài năng của Đoàn Thị Điểm là Truyền Kỳ Tân Phả. Mỗi một truyện truyền kỳ đưa người đọc vào một thế giới riêng, lời văn trau chuốt, lý luận sắc bén. Đỉnh cao các truyện truyền kỳ là Truyện Hải Khẩu Linh Từ, Đền thiêng cửa biển, kể chuyện nàng Bích Châu, thứ phi vua Trần Duệ Tông đời Trần, nàng dâng bảng điều trần khuyên vua chấn chỉnh nước nhà, nhưng vua không nghe, nàng gieo mình theo dòng nước cho trời yên biển lặng. Vua Trần Duệ Tông đem hai trăm ngàn quân đánh Chiêm Thành, vua bị phục binh tử trận, hai trăm ngàn quân Đại Việt tan tác thảm bại. Một trận chiến bại bi thảm nhất trong lịch sử nước ta, các sử gia các thời đại chỉ chép vài dòng nhưng Đoàn Thị Điểm, một phụ nữ đã viết thành truyện truyền kỳ, một bài học cho nhân dân Việt Nam muôn đời. Nàng Bích Châu hai trăm năm sau lại hiện ra trong trận chiến thắng của Vua Lê Thánh Tông. Đọc Hải Khẩu Linh từ, càng đọc càng suy nghĩ càng thấy tầm vóc Đoàn Thị Điểm, một tư tưởng gia, một nhà văn lớn trong lịch sử văn học Việt Nam.
Tài liệu tham khảo:
Hoàng Xuân Hãn. Chinh Phụ Ngâm bị khảo. Minh Tân Paris 1953
Tinh tuyển văn học Việt Nam. Tập 5 quyển I. PGS Nguyễn Thạch Giang chủ biên. nXb KHXH.Hà Nội 2004.
Nguyễn Kim Hưng. Một số phát hiện mới về Hồng Hà Phu Nhân di văn. Tạp chí Văn Học số I.1978 tr84-92.
Nguyễn Kiều. Hạo Hiên thi tập; Thư Viện Ecole Français dExtrême Orient. Paris.
Phạm Đình Hổ – Nguyễn Án. Tang thương ngẫu lục. Truyện Nguyễn Kiều Á phu nhân quyển I. BGD. Sàigon. 1970.
PHẠM TRỌNG CHÁNH*Tiến sĩ Khoa Học Giáo Dục Viện Đại Học Paris V. Sorbonne.
Paris 23-1-2015

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire