Translate

Libellés

découvert (110) thơ; văn; nhạc; ảnh chụp; Caroline Thanh Hương (68) photographie (59) ký ức Việt Nam (44) santé (36) nghe đọc truyện hay (35) touriste (35) science naturelle (29) événement (28) nhạc Việt (27) nhạc Phạm Đức Nghĩa (20) art culinaire (19) philosophie (15) psychologie (15) văn chương (14) xã hội (12) nhạc không lời (11) science (11) ảnh Hương Kiều Loan (10) science économique (9) đọc và nghe đọc truỵên hay (9) xã hội Mỹ (8) aventure (6) news (6) société (6) thơ Đỗ Quý Bái (6) économie kinh tế (5) lịch sử (5) show Caroline Thanh Hương (5) sử Việt Nam (5) art (4) du lịch (4) littérature vietnamienne (4) Education (3) littérature (3) thơ Trần trọng Thiện (3) Canada (2) Les Contes vietnamiens truyện cổ tích việt nam (2) cách làm thơ hay và đúng (2) histoire secrète (2) l'histoire de France (2) mythe (2) technologie (2) thơ Huy Văn (2) thơ Hư Hao (2) tùy bút Caroline Thanh Hương (2) văn (2) Cần Thơ (1) David Oïstrakh (1) Dì Bùi Lệ Khanh (1) Economie (1) Montréal (1) Petrus Ky (1) Phan Thuận Breton (1) Québec (1) Stephen Hawking (1) Thơ văn Nguyễn Kiề (1) Trung Tâm Giáo Dục Hồng Bàng (1) Tạp Chí Dân Văn (1) Văn Xuân Vũ (1) astuce (1) bình luận Thuỵ Khê (1) ca sĩ Phi Nhung (1) ca sĩ Phạm Khải Tuấn (1) chân dung France Gall (1) fashion Jean-Paul Gaultier (1) fashion áo dài Việt Nam (1) học tiếng anh (1) informatique (1) ingénierie (1) nhạc Ngô Hồng Quang (1) nhạc Phạm Mỹ Lộc (1) nhạc ngoại quốc (1) nhạc ngoại quốc Steve Earle (1) photographie Vu Cong Hien (1) sport (1) thơ Chẩm Tá Nhân (1) thơ Lê Quang Chiểu (1) thơ Nhất Hùng (1) thơ Thanh Thanh. (1) thơ Trần Văn Lương (1) truyện ngắn; thơ Trần Văn Lương (1) văn Huy Phương (1) văn Thế Lữ (1) văn Tràm Cà Mau (1) văn chương văn nghệ Đoàn Thế Ngữ (1) văn câu đối (1) văn Đoàn Xuân Thu (1) xem phim hay tiếng ngoại quốc (1) Đại Học Văn Khoa (1)

samedi 1 décembre 2018

Đọc và nghe đọc truỵên Miền Thơ Ấu của tác giả Vũ Thư Hiền.

tt

Kính gửi đến quý anh chị nào thích nghe đọc truyện đời xưa ở nước Việt Nam, đặt biệt nhất có lẽ là dân Bắc Kỳ để nhớ lại đồng tiền dành dụm nào cũng quý mà người ta chỉ biết bỏ vào rương trong nhà.
Điều mà con người chưa bao giờ ý thức được là có khi của không hẹn mà đi, đang giàu nứt vách cũng có thể trắng tay và người may mắn thì sướng cả đời hay cuối đời, còn người không may mắn thì ăn ở làm sao cũng không thoát được cái nghiệp.
Audiotruyện đọc này được diển tả khá hay vì cách trình bày có phần nhạc dẫn đầu và giọng đọc khá rõ, vô tư, dẫn dắt người nghe đi từ chương mà không thấy chán.
Cám ơn quý anh chị đã viết bài, đọc bài và thu âm.
Caroline Thanh Hương


Tác phẩm : Miền Thơ Ấu
Tác giả : Vũ Thư Hiên
Người đọc : Khắc Thiệu
Tôi sung sướng được viết lời tựa cho ấn bản Miền Thơ ấu tại hải ngoại. 
Đối với tôi đây là một niềm vui bất ngờ. 
Khi đặt bút viết những dòng đầu tiên của cuốn sách mà hôm nay bạn đang cầm trong tay, tôi không dám tin rằng sẽ có ngày nó được thấy ánh sáng mặt trời. Lại càng không thể hình dung được rồi đây nó sẽ tới tay những người con bất hạnh của nước Việt đau thương giờ đây lưu lạc bốn phương trời. 


Résultat de recherche d'images pour "miền thơ ấu"

tt


Miền Thơ Ấu VI Hồi ký 

Thành phố, bà ngoại, ngôi nhà nhỏ ở phố Nhà Rượu, các em tôi mẹ tôi, cả con Ki ki nữa... đã ở lại đàng sau, xa lơ xa lắc. ở đây nơi quê tôi, chỉ có cô Gái và tôi, không kể một con chó đen tên là Mực và con mèo già tên là Mướp; cả hai đều lảng tránh tôi, chúng không thích gần người. Thay vào những bài học của mẹ tôi dạy tôi, cô Gái bắt đầu dạy tôi học kinh bổn. Chẳng mấy chốc tôi thuộc làu (mà không hiểu được bao nhiêu) các kinh đọc hàng ngày, kinh ngắm các đường Thánh Giá. Những buổi rảnh rỗi, bà kể cho tôi nghe chuyện ông Nô-e đóng tàu để sống qua nạn hồng thủy, chuyện Đức Chúa Giê-su bị sa vào tay quân Phi-la-tô và quân dữ, sự tích các thánh. Trong số các bà già theo đạo mà tôi gặp, có dễ cô tôi đứng đầu về mặt am tường giáo lí, mặc dầu bà không biết chữ. Cô Gái biết tôi nhớ nhà, bà thương, nhưng lại lúng túng không biết làm thế nào cho tôi khuây. Bà cố nhớ ra những trò chơi trong thuở ấu thơ của bà để bày cho tôi chơi. Tiếc nỗi, những trò chơi của bà đâu có nhiều. Bà đập ruồi làm mồi cho kiến tha, giả cách như kiến làm đám ma ruồi, hai cô cháu đánh trống miệng thay cho nhà đám. Bà bắt những con bọ ngựa non cho chúng đấu kiếm, gấp thuyền giấy cho tôi thả xuống ao. Thường hơn cả hai cô cháu chơi trò câu công cống. Trên sân nhà tôi, sân đất, có vô vàn lỗ nhỏ. Nếu ta lấy nõn tre thả vào một lỗ rồi kiên nhẫn chờ thì sẽ thấy chiếc nõn tre động đậy khe khẽ. Rút nõn tre lên thật nhanh ta sẽ tóm được một chú công cống. Đó là một thứ sâu đất rất nhỏ, chỉ nhỉnh hơn que tăm, trắng nõn và yếu ớt vô cùng. Công cống không bám chắc vào được nõn tre; ra khỏi tổ là nó rơi xuống đất, nằm đứ đừ. Nằm một lúc thấy không có động tĩnh gì, công cống liền giãy giụa bò đi cho tới khi gặp một lỗ khác. Nó bèn chui tọt xuống lập tức, bất kể lỗ đó là của ai. Đáng ngạc nhiên là con công cống trong lỗ nọ không đánh nhau với nó để đuổi nó lên. Tôi đã hoài công chờ nhiều lần nhưng cái lỗ vẫn im phăng phắc. Chắc hẳn giống công cống không có ý thức về tài sản tư hữu, hoặc giả chúng giàu tình thương yêu đồng loại. Ngày xưa, - cô tôi vừa rãy cỏ trên sân vừa dẫn tích - hễ bố mày khóc là bà lại dẫn ra sân cho câu công cống, như hai cô cháu mình thế vầy. Bà ngồi đây, bố mày ngồi đây, hễ được con công cống nào là hai mẹ con lại cười rúc rích với nhau. Bố mày ngày xưa hay cười lắm, động thí là cười. Ai dè bây giờ khổ. Khốn nạn, không biết bao giờ em tôi mới được về? Bà đừng tay, thở dài. Mắt bà nhìn vào một điểm nào đó rất xa, vượt qua hàng rào dâu, vượt qua những mái nhà lè tè bên cạnh, vượt qua cả cái làng nhỏ bé quê hương. Bà nội hiền. Ông nội cũng hiền. Ông chiều bố mày vô cùng. Thấy bố mày tha thẩn một mình, có dáng buồn, là gọi vào nhà mở vò kẹo vừng cho một cái. Kẹo vừng ngày xưa to chứ không như kẹo vừng bây giờ. Thiên hạ mỗi ngày một điêu - kẹo gì bây giờ cũng bé hơn kẹo ngày xưa. Kìa, công cống nó cắn? Nghe cô tôi nói thì cái gì ngày xưa cũng to hơn bây giờ, đẹp hơn bây giờ, tốt hơn bây giờ. - Cháu được mấy con rồi? - Tám, cô ạ. - Chiều nay cô được có ba, cô không mát tay. Thôi, rãy cỏ với cô đi, tối rồi. Tôi vất đi những nõn tre còn lại, cầm lấy chép mai. Những con công cống câu được đã tìm đường chui xuống đất. Trò chơi của hai cô cháu tôi hoàn toàn vô tư. Không một con công cống nào bị giết. Cô tôi dạy tôi cách rãy cỏ của ông tôi - chỉ được đưa lưỡi chép mai lướt trên mặt đất chứ không được cày đất lên, có như vậy mới giữ được sân bằng phẳng. Trước khi đổ cỏ đi phải giũ đất cho bằng sạch, không được đổ đất đi cùng với cỏ. Ngồi bên tôi, cô Gái chậm chạp nhích từng bước. Chỗ nào cô đi qua, chỗ đó không còn sót một ngọn cỏ. - Khi ông còn sống - bà kể - nhà cửa cứ sạch như li như lau. Ai đi qua sân thấy cỏ mọc mà không cúi xuống nhổ lên, ông mắng. - Khách ông cũng mắng hả cô? - Bậy, ai lại mắng khách. ấy là nói người trong nhà. Hồi ấy, chứ bây giờ mỗi mình cô, chẳng sao dọn xuể - xong được góc này, góc kia cỏ đã mọc xanh rồi. - Bây giờ có cháu ở với cô, hai cô cháu dọn hàng ngày, cỏ chả mọc kịp đâu, cô nhỉ? - ừ bây giờ có thêm cháu, cũng đo... Hai cây hoa trà kia, cũng ông trồng đấy. Thấp thế mà hơn hai chục tuổi rồi. Cây trúc đào cũng ông trồng. Ông mang nó trên tỉnh về. Hồi ấy ông đi tỉnh luôn, chả ông phải đi cân thuốc mà. Ông chăm vườn tược lắm, cả nhà chẳng ai chăm bằng ông, đi đâu thì chớ, về đến nhà đã lụi hụi ngoài vườn. Vườn trước, vườn sau ông trồng đủ thứ: quít đấy, mít đấy, khế đấy một tay ông trồng ráo. - Cây sung nữa, cũng ông trồng, cô nhỉ? - Cây sung là cụ trồng. Ông còn sống, vườn trước này rặt hoa là hoa. Cả làng không nhà nào lắm hoa như nhà mình. Thế rồi ông mất, các bác, bố cháu đi ráo, chẳng còn ai chăm nom, cỏ mới át đi, hoa lụi sạch. Mình cô xoay xở, được vườn trước thì mất vườn sau... Vườn sau cỏ mọc dày. Một vạt tróc giong sống được với cỏ cũng trở thành hoang dại. Tôi có thể nấp trong đó để trốn cô Gái hàng giờ mà cô không tìm ra. Cô Gái đứng lên, quài tay ra sau đấm mấy cái vào lưng rồi đi vào thềm. - Nghỉ thôi, cháu. Hôm nay đủ rồi, cô mỏi. Tôi vào ngồi bên cạnh cô, hai cái chép mai đặt trước mặt. Cô Gái nhìn tôi rồi nhìn cái cột tôi dựa lưng. - Cái cột này ông tính thay mấy lần rồi mà chưa kiếm được cây gỗ nào ưng ý. Thế rồi ông mất, không kịp thay. Đó là cái cột già lão nhất trong hàng cột quân ở thềm. Tiếng là cột quân, nhưng nó lớn bằng cột cái của những ngôi nhà bình thường. ở chỗ tiếp với tảng đá mối đã đục gần ruỗng hết chân cột. Cô cũng tính thay nó đi, nhưng rồi lại thôi - Thay làm gì cô chết đi, liệu có ai về quê trông nom nhà cửa thay cô? Các bác không, bố mày không, chúng mày nữa, lại càng không. Nghĩ mà chán, con cháu hàng đàn hàng đống mà không một mống nào muốn ở quê để giữ lấy điền thổ, trông nom mồ mả tổ tiên. Bà kéo vạt áo lên lau nước mắt. Những phút ấy, tôi thương cô tôi lắm. Thực vậy, bà vất vả nhiều trong việc trông nom ngôi nhà các cụ để lại, bằng mọi cách níu lấy nó, không cho nó trôi tuột vào quá khứ, không cho nó mất đi dáng vẻ bề ngoài lúc ông bà tôi còn sống, khi chung quanh cô còn cả một đàn em huyên náo. Bà tủi thân khi thấy một mình bà phải cáng đáng công việc mà sức một người không thể làm xuể. Ngôi nhà mỗi năm một già, mọt đục ruỗng nó dần dần, mưa nắng và thời tiết thay đổi làm nó trở nên tiều tụy, rách rưởi, còn bà thì cứ chạy tới chạy lui chống đỡ cho nó. Bà bướng bỉnh lau quét, vá víu sửa sang, trong khi ý thức nói với bà rằng đó là việc làm vô ích, rằng bà bất lực, sức bà không thể đảm đương gánh nặng đó. Như người lính già cô đơn nhưng trung thành quyết bảo vệ đến cùng cái đồn ọp ẹp chống lại kẻ thù, cô tôi nghiến răng lại làm việc quần quật, không hề tiếc sức để giữ bằng được ngôi nhà cũ kỹ đã không còn cần thiết cho một ai. Đối với tôi ngôi nhà của ông bà là viện bảo tàng gia tộc Những cuộc đời đã chìm nghỉm trong dĩ vãng để lại dấu vết và bóng dáng của chúng trong mọi vật. Có những lúc tôi tưởng như tất cả những cái đã mất đi ấy sống dậy, thực sự sống dậy, nhưng đó là sự sống không tiếng động, mờ ảo, thấp thoáng, hệt như những câu chuyện của cô tôi. Những câu chuyện ấy thấm vào tôi từ từ, từng mẩu một, dần dà, để rồi làm lẫn lộn trong tôi cái thật trước mắt với dư ảnh quá khứ. Tôi nhìn thấy ông nội tôi, một ông già gầy gò nhưng quắc thước trong bộ quần áo trắng, đang nhàn tản dạo bước. Ông đi qua những bụi hồng, nhài, thược dược, qua mấy khóm hoa trà, ngắm cây trúc đào xanh tốt và dừng lại trước cây đại xương xẩu. Ông cúi xuống nhặt một bông đại rơi, đưa lên mũi ngửi mùi hương thanh sạch của nó. Trong nhà, các bác tôi ngồi gập mình trên những trang giấy bản, thỉnh thoảng lại chấm bút lông vào cái nghiên đá (giờ đây nó còn nằm lăn lóc dưới chân bàn thờ Đức Mẹ) nắn nót từng chữ tượng hình rối rắm. Bố tôi ngồi ngoài thềm, mặt ngẩng lên trời, ê a Tam thiên tự: - "Thiên - trời, địa - đất, tử - cất, tồn - còn, tử - con, tôn cháu, lục - sáu, tam - ba, gia - nhà, quốc - nước, tiền - trước, hậu - sau, ngưu - trâu, mã - ngựa, cự - cựa, nha - răng, vô - chăng, hữu - có... Bà tôi ngồi gần bố tôi. Bà bỏm bẻm nhai trầu, cạp lại chiếc rá rách. Những cuốn vở giấy bản của các bác tôi vẫn còn. Chúng được xếp thành chồng, buộc lại thành bó và cất trong hòm gian. - Bố mày chăm học, mà sáng dạ. - cô tôi kể - Kinh bổn cũng làu làu. Chẳng biết ma quỷ cám dỗ thế nào mà lại theo cộng sản? Giá như người ta, yên lành ở nhà giữ lấy cơ ngơi của các cụ có phải sung sướng không, đàng này... Tôi nín lặng. Tôi chưa hiểu nhiều thế giới của người lớn, nhưng tôi biết chắc một điều: bố tôi sẽ không nghe lời bà chị. Ông bao giờ cũng làm theo ý mình. Cô tôi thở dài, nhìn lên những đám mây. Chúng bay chầm chậm như bao năm trước chúng vẫn bay và chúng còn bay như thế khi bà không còn nữa. - Cháu sẽ ở với cô - tôi nói. Cô tôi mỉm cười buồn bã: - Thế thì cô mừng.

 http://eTruyen.com

Nguồn: http://etruyen.com
Vui lòng không xóa link nguồn!